Thí sinh Nguyễn Thái Tâm (sinh năm 1995, ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tham gia thi viên chức cùng nhiều thí sinh khác vào làm giáo viên trường tiểu học Tân Xuân (huyện Thới Bình).
Theo thông báo số 87/TB- UBND ngày 28/11/2017 của UBND huyện Thới Bình, thí sinh Nguyễn Thái Tâm có tổng điểm thi đạt 394/400 điểm, cao nhất so với các thí sinh còn lại. So với 3 thí sinh xếp liền sau, số điểm của thí sinh Nguyễn Thái Tâm cao hơn từ 3 đến 6 điểm.
Tuy nhiên vào ngày 19/12/2017, thí sinh Nguyễn Thái Tâm nhận được thông báo số 94/TB-UBND của UBND huyện Thới Bình. Nội dung ghi nhận thí sinh Nguyễn Thái Tâm từ “thủ khoa” lại rớt xuống nhiều hạng. Cụ thể, sau khi phúc khảo, có ba thí sinh từ bằng đến cao điểm hơn thí sinh Nguyễn Thái Tâm. Đó là thí sinh Phạm Nhất Linh có số điểm 394,5/400 (phúc khảo tăng 3,5 điểm), thí sinh Cù Hoàng Linh 394,5/400 (tăng 5,5 điểm) và thí sinh Vương Hiệp Nghi (394/400, tăng 6 điểm).
Ngày 14/1, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, ông Nguyễn Tráng Kiện - Chủ tịch Hội đồng thi viên chức huyện Thới Bình năm 2017 - lên tiếng về trường hợp thí sinh Nguyễn Thái Tâm. Theo đó, ông Kiện cho rằng, dù đạt điểm cao nhưng rớt sau khi phúc khảo là chuyện bình thường. Điểm chấm đầu tiên và điểm sau khi phúc khảo chênh lệch trong khung cho phép và đúng qui định.
Được biết, đợt này trường tiểu học Tân Xuân chỉ tuyển 1 người.
Từ thủ khoa thành rớt!
Trường hợp của thí sinh Nguyễn Thái Tâm không phải là lần đầu tiên. Trước đó, vào tháng 4/2017, chị Phạm T.T. (25 tuổi, tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội) và chị Đỗ T.M. (29 tuổi, tốt nghiệp khoa toán Trường ĐHSP TP.HCM) cùng tham dự kỳ thi tuyển giáo viên do UBND TP Vũng Tàu tổ chức.
Đến tháng 7/2017, hội đồng thi tuyển công bố điểm, chị T.T. đạt số điểm cao nhất trong các thí sinh thi môn văn, với 298 điểm. Còn chị T.M. đạt số điểm bằng với một thí sinh khác thi môn toán (cùng 334 điểm), nhưng do chị T.M. có số điểm nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn (86 điểm so với 84 điểm của thí sinh kia), nên theo quy định chị T.M. là thủ khoa của môn toán.
Tuy nhiên sau đó cả 2 đều rớt, vì... hai á khoa xin phúc khảo và được tăng điểm.
Cụ thể, cả hai thí sinh là á khoa của kỳ thi nói trên - Nguyễn Thị M.H. (môn văn) và Phạm T.L. (môn toán) đều có đơn xin phúc khảo. Kết quả phúc khảo, thí sinh M.H. được tăng thêm 2 điểm ở môn "kiến thức chung" (từ 68 lên 70 điểm), dẫn đến tổng điểm của chị này sau vòng phúc khảo bằng điểm với chị T.T.. Tuy nhiên, chị T.T. lại bị rớt do điểm chuyên ngành của chị thấp hơn 4 điểm so với chị M.H.!
Tương tự, kết quả vòng phúc khảo, chị Phạm T.L. được tăng thêm 1 điểm cũng ở môn "kiến thức chung" (từ 80 lên 81 điểm). Và đương nhiên, sau phúc khảo chị Phạm T.L. trở thành thủ khoa môn toán, còn chị T.M. xuống á khoa và rớt kỳ thi tuyển.
Trước đó, Sở Nội vụ TP.Hà Nội cũng công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015. 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.
Nói về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: Thủ khoa thi trượt do nhà tuyển dụng đòi hỏi kiến thức chuyên môn học trong trường khác xa với thực tế. Hơn nữa, để trở thành thủ khoa là nỗ lực của cá nhân và phụ thuộc vào môi trường đào tạo. Nếu môi trường đào tạo chặt chẽ thì thủ khoa có năng lực thực sự. Cách tuyển của Hà Nội toàn lý thuyết.
"Tôi chỉ lo người giỏi không nhận, Hà Nội lại dùng "người học thuộc lòng" vào công chức. Mà những người chỉ biết học thuộc điều, luật, nhận vào cũng chả để làm gì, ấy là chưa kể họ sẽ phát sinh tiêu cực", ông Lâm kiến nghị.
Tú An (Tổng hợp)