Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế vi phạm giao thông.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông, tuy nhiên trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái. Thực tế này đi ngược xu hướng của thế giới. Ví dụ, ở Trung Quốc, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận cảnh cáo; trường hợp bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái.
Đại tá Bình cho rằng tình trạng phạt cho tồn tại dẫn tới người vi phạm nhờn luật. Nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi tài xế vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.
Để áp dụng được đề xuất này, ngoài sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, đại diện Cục CSGT cho rằng cần phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý vi phạm cảnh sát chỉ cần tra tên rồi trừ điểm tài xế vi phạm trên hệ thống.
Việc sử dụng công nghệ và áp dụng trừ điểm trên hệ thống dữ liệu sẽ rất hiệu quả, nếu bị trừ 50% điểm trên GPLX thì chủ sở hữu có nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.
Về nội dung này, luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho biết, hiện Luật Giao thông đường bộ không quy định hình thức trừ điểm bằng lái tài xế, do vậy để thực hiện thì Chính phủ phải trình Quốc hội sửa luật.
"Trường hợp sửa đổi Luật Giao thông đường bộ thì phải trình ra nhiều vấn đề chứ không thể chỉ riêng việc trừ điểm bằng lái", ông Bình nói.
Cũng theo Luật sư Bình, "về bản chất việc trừ điểm bằng lái không khác gì trước đây cảnh sát bấm lỗ bằng lái, trong khi đó Bộ Công an đã không còn áp dụng biện pháp bấm lỗ nên đề xuất trên không có cơ sở thực tiễn".
Để quản lý và răn đe tài xế vi phạm, ông Bình cho rằng Chính phủ nên sửa Nghị định để tăng mức xử phạt với các vi phạm, "vì trực tiếp động đến túi tiền thì người vi phạm sẽ sợ hơn là phạt nguội và trừ điểm".
Ngoài ra, luật sư Bình lo ngại khi việc trừ điểm vào bằng lái được thông qua thì sẽ trao thêm quyền cho CSGT. Như vậy cơ chế kiểm soát quyền này như thế nào để tránh trường hợp lạm quyền, cảnh sát và người vi phạm tự thỏa thuận với nhau để không bị trừ điểm vào GPLX?
Ở góc nhìn khác, luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An cho rằng, việc trừ điểm bằng lái của tài xế và quản lý trên hệ thống dữ liệu điện tử là khả thi.
"Khi các văn bản luật được sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý cần thiết và cơ quan chức năng xây dựng được hệ thống dữ liệu về giấy phép lái xe trên toàn quốc, thì việc này không có gì khó", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Vinh "việc trừ điểm vào bằng lái chỉ mang tính chất đánh giá người tham gia giao thông vi phạm như thế nào, không phải là hình thức tăng nặng, nâng mức xử phạt, nên có thể tài xế vẫn tái phạm và nhờn luật".
Ông Vinh cho rằng, việc cần làm hiện nay là sửa Luật Giao thông đường bộ và coi việc tái phạm của tài xế là hình thức tăng nặng, lực lượng chức năng sẽ xử phạt theo hướng "cộng dồn".
Về ý kiến cho rằng nếu thực hiện trừ điểm GPLX tài xế vi phạm sẽ dẫn đến tiêu cực, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng ngành nào cũng có tiêu cực. Do đó, khi xây dựng đề xuất, cơ quan liên ngành cần xây dựng một nội quy nghiêm khắc đối với lực lượng thực thi để cán bộ CSGT, cán bộ trung tâm sát hạch GPLX “không dám, không thể, không được” tiêu cực. Ngoài ra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, camera giám sát công khai chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành cũng góp phần hạn chế được tiêu cực.
Còn thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1 (Hà Nội) phân tích, biện pháp trừ điểm sẽ được làm căn cứ xác định tài xế vi phạm bao nhiêu lần và ở đâu, qua đó cơ quan chức năng nắm được thông tin để có biện pháp cần thiết. “Hiện việc xử phạt hành chính với các lỗi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, nhiều tài xế có tình trạng vi phạm rồi bỏ lại bằng lái, cố tình không nộp phạt sau đó làm GPLX mới một cách dễ dàng”, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói.
Anh Vũ (TH)