Dù giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không tổ chức bắn pháo hoa nhưng không khi nô nức và hân hoan chào đón năm mới vẫn hiện hữu trên cả nước.
Tại TP.HCM, Tri thức trực tuyến ghi nhận, thời điểm ngoài 23h, dù phố đi bộ Nguyễn Huệ đã ngưng nhận khách nhưng hàng nghìn người dân vẫn đổ về vui chơi. Các gian hàng ăn vặt, tiểu cảnh chụp hình vần đông kín du khách. Một số người sau khi đóng cửa đường hoa vẫn chưa đi về, ngồi lại trước thềm Kho Bạc Nhà Nước TP.HCM.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Lê Thị Thúy (quê Quảng Bình) cho biết năm nay vì vấn đề tài chính eo hẹp, thời gian ra vô sợ không kịp cho con cái vào học lại nên gia đình ở lại TP.HCM đón Tết. Kể về cái Tết đầu tiên xa quê, chị Thuý nói rằng đây là lần đầu chị đến đường hoa Nguyễn Huệ nên cảm nhận rất đẹp với nhiều khung cảnh ấn tượng, nhất là hình ảnh linh vật hổ rất đẹp.
Chị tâm sự: "Thấy mọi người đều vui tươi trong đêm giao thừa và mình cũng hòa chung không khí nên nỗi nhớ quê nhà vơi phần nào. Hy vọng qua năm mới tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công việc thuận lợi để công nhân dành dụm tiền về quê đón Tết".
Tại Cần Thơ, thời tiết đêm giao thừa se lạnh. Năm nay, cũng như những tỉnh, thành khác trên cả nước, Cần Thơ không bắn pháo hoa, không tổ chức đường hoa nghệ thuật nhưng vẫn rất đông người dân ra đường chào đón năm mới.
Từ 19h ngày 31/1 (tức 29 Tết), dòng người đã kéo về trung tâm TP Cần Thơ. Phương tiện chen chúc nhau di chuyển. Đặc biệt, mọi người đổ về "Vườn hoa Cần Thơ Xuân Nhâm Dần 2022" ở khu vực công viên Sông Hậu và Cầu đi bộ ở khu vực Bến Ninh Kiều để tham quan, chụp ảnh.
Theo Dân Trí, ở TP Hội An (Quảng Nam), tiết trời cũng se se lạnh, rất thích hợp du xuân, dạo phố cổ. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm nay thành phố đã tổ chức chương trình "xuân yêu thương, Hội An tri ân tuyến đầu chống dịch" (đêm 28 Tết) thay cho hoạt động bắn pháo hoa thường niên.
Các hoạt động đêm phố cổ, phố đi bộ đều tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đêm giao thừa rất đông du khách đổ về phố cổ vui chơi, trải nghiệm chèo đò sông Hoài, chụp ảnh lưu niệm cùng những dãy đèn lồng lung linh rực rỡ, hay dạo chợ đêm mua sắm, ăn uống.
Còn tại TP Đà Nẵng, trong ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, các tuyến đường trung tâm thành phố chật kín người, xe. Tiết trời ở Đà Nẵng trong ngày 29 Tết có phần lạnh hơn hẳn so với những ngày qua.
Vì lượng người ra đường đón năm mới đông, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt tại một số tuyến đường để phân luồng giao thông.
Các địa điểm thu hút người dân đến vui chơi là đường hoa Tết dọc tuyến đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo, Công viên APEC, các điểm vui chơi, giải trí.
Tại đường hoa Tết (đoạn chân cầu Rồng - đường Bạch Đường) và Công viên APEC, lượng người dân tập trung về đây từ sớm. Trước thời khắc giao thừa, ai cũng tranh thủ ghi lại những hình ảnh bên những tiểu cảnh, cụm hoa, những chú hổ… được trang trí tại đường hoa Tết. Mọi người đều chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, chỉ lúc chụp ảnh mới bỏ ra.
Thủ đô Hà Nội năm nay cũng không tổ chức bắn pháo hoa. Dù năm nay không bắn pháo hoa nhưng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn là một điểm đến quen thuộc của giới trẻ trong đêm giao thừa. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 12 độ C, trời khô ráo nên hầu hết các tuyến phố trung tâm đêm chật kín người dân ra đường đón năm mới.
Đường Đình Tiên Hoàng quanh Hồ Gươm đã đông đúc xe cộ từ lúc 20h. Vì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang khá phức tạp nên đa phần người dân Thủ đô vui chơi không quên "5K".
Trong khi đó, tại thành phố biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), không khí "vắng tanh như chùa Bà Đanh". Mọi năm thời điểm này dọc đường Hồ Xuân Hương nhộn nhịp người đi du xuân, nhưng năm nay, trục đường sầm uất nhất thành phố Sầm Sơn trở nên ảm đạm, vắng bóng người qua lại. Một vài cửa hàng, quán cà phê mở cửa nhưng không có khách.
"Năm nay, TP Thanh Hoá và Sầm Sơn không bắn pháo hoa nên chúng tôi ghé lại một vài quán cà phê để chờ đón giao thừa, nhưng nhìn không khí ảm đạm qua nên có lẽ sẽ về sớm hơn dự định", chị Nguyễn Thị Lệ Linh (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) chia sẻ.