Sau nhiều ngày mưa lớn, rạng sáng ngày 9/8, suốt 10 km đèo Bảo Lộc (đoạn giao giữa TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá ập xuống chắn mặt đường quốc lộ 20 nối TP HCM lên Đà Lạt.
Toàn bộ xe qua tuyến đèo này đều bị ngừng lại ở 2 bên đầu đèo. Đèo Bảo Lộc, tuyến đèo gần như độc đạo, nằm trên quốc lộ 20 nối TP.HCM và Đà Lạt. Do kẹt đèo ở cả 2 chiều lên - xuống nên dòng xe ngưng trệ.
Theo những người có mặt tại hiện trường, dòng kẹt xe kéo dài khoảng 25km (từ thị trấn Madagui - huyện Đạ Huoai đến xã Lộc Sơn - TP Bảo Lộc. 1 xe tải và xe khách lưu thông qua giữa đèo đã bị đất đá sạt lở đổ đè xuống. Rất may không có thiệt hại về người. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đang tổ chức dọn đất đá để thông tuyến. Mưa dầm liên tục trong 3 ngày vừa qua khiến nền đất ở khu vực đèo bị yếu được xác định là nguyên nhân gây sạt lở trên đèo Bảo Lộc.
Sạt lở cũng đã khiến một ôtô 7 chỗ bị đất đá cuống xuống taluy âm. Những người có mặt trên xe đã kịp thoát ra ngoài. Hàng chục phương tiện cơ giới xuất phát từ hai đầu đèo Bảo Lộc giải phóng hàng nghìn m3 đất đá ở 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. Đến trưa nay, các điểm sạt lở cơ bản được đào thông nhưng một lượng lớn bùn đất chưa được làm sạch khiến mặt đường trơn trượt.
Cảnh sát túc trực điều tiết giao thông và cùng với cơ quan chức năng đang hỗ trợ các phương tiện bị mắc kẹt trong đèo thoát ra ngoài. Trên quốc lộ 20 ở hai đầu đèo, hàng nghìn xe nối đuôi nhau kéo dài hàng chục km.
Đèo Bảo Lộc dài 10 km trên quốc lộ 20 nối huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc. Đèo ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, với hơn 100 khúc cua ngoằn ngoèo, là một trong những đèo hiểm trở nhất Việt Nam.
Đến 11h ngày 9/8, đèo Bảo Lộc đã thông xe được 1 chiều. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ điều phối để giải tỏa lượng xe ùn ứ.
Hiện tại, hàng chục xe máy xúc vẫn tiếp tục dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở. Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng dự kiến đến tối mới có thể thông xe hoàn toàn tuyến đèo Bảo Lộc nếu trời không mưa.