Theo đó, Bộ Công an vừa ban hành Dự thảo Nghị định lần 2 quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, theo đó có nhiều nội dung được thay đổi, cụ thể thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được đề xuất rút ngắn từ ba năm xuống còn hai năm và kéo dài thêm không quá sáu tháng.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị CAND tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Như vậy, so với quy định cũ, thời hạn tham gia nghĩa vụ công an đã được rút ngắn một năm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 129/2015 thì thời gian trên phải là 36 tháng.
Đáng chú ý, Nghị định 129/2015 quy định có 4 loại giấy tờ công dân phải nộp cho cơ quan công an khi đăng ký dự tuyển. Để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện nghĩa vụ, Bộ Công an đề nghị cắt giảm chỉ còn 2 loại.
Theo đó, công dân khi tham dự tuyển nộp cho công an cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú các giấy tờ sau: tờ khai thông tin đăng ký sơ tuyển theo mẫu của Bộ Công an có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú; giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Tiêu chuẩn tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ cũng được bổ sung thêm các điều kiện tuyển tại các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân tốt nghiệp trung học cơ sở.
Người được tuyển có thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an...
Ngoài ra, với Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ từ đủ 16 tháng đến dưới 24 tháng phục vụ tại ngũ có thể được xét, dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân, tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Với các trường hợp khác khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các biện pháp xử lý vi phạm với người trốn tránh nghĩa vụ Công an. Cụ thể, Công dân không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong lệnh gọi nghĩa vụ, đào ngũ thì tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật theo Điều lệnh Công an nhân dân; xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dự thảo Nghị định được lấy ý kiến trong hai tháng, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực trong năm 2019.
H.A (TH)