Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
Sáng 2/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo số liệu của tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm và thủy sản tiếp tục có bước tăng vượt bậc, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,07%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%...

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
Toàn cảnh hội nghị.

Chỉ số giá (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ; thanh khoản thị trường tài chính, tiền tệ được đảm bảo; mặt bằng lãi suất ổn định…

Thu ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 6/2018 đã đạt 651.720 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3%.

Tổng vốn đầu tư toàn ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.

Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng.

Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Chính phủ yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ và tai nạn giao thông cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ thành quả phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được trong thời gian qua.

Dương Thu

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18473 sec| 633.797 kb