Trước đó, vào ngày 14/6, máy bay IAK-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay huấn luyện. Sau khi hoàn thành bài bay, trên đường bay về, máy bay mất liên lạc với Sở chỉ huy lúc 9h35.
Hai phi công bay huấn luyện hy sinh, gồm: Đại úy Lê Xuân Trường, Biên đội trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 920 hy sinh trong buồng lái; Trung sỹ Đào Văn Long, học viên bay, hy sinh trên đường đi cấp cứu.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Giải đáp băn khoăn của báo chí về một số vụ tai nạn máy bay trong lúc huấn luyện thời gian qua, đặc biệt là vụ rơi máy bay quân sự hôm 14/6 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, sau khi tai nạn xảy ra, Bộ Quốc phòng đã tổ chức một Hội nghị nhằm rút kinh nghiệm về an toàn bay.
Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, nguyên nhân của vụ tai nạn này được xác định là do động cơ của máy bay làm việc không ổn định, công suất động cơ giảm nên phi công quyết định hạ cánh bắt buộc ở bãi ngoài. Điều đó có nghĩa máy bay không thể hạ cánh xuống đường băng, nên khi đáp xuống địa hình không bằng phẳng mới xảy ra tai nạn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, những năm vừa qua, có xảy ra một số vụ tai nạn máy bay.
“Đối với ngành hàng không chúng ta không thể nói hay. Ở những nước tiên tiến, việc xảy ra tai nạn máy bay không phải là hiếm. Các vụ tai nạn máy bay ở Việt Nam những năm qua có vụ việc nguyên nhân do thời tiết xấu. Như vụ tai nạn máy bay trong Nghệ An, kết luận điều tra xác định do máy bay bị bay vào vùng thời tiết xấu. Vụ tai nạn máy bay Casa trước đây cũng thế”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Tuyên huấn, tuy số vụ tai nạn máy bay ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhưng chúng ta không thể chủ quan.