Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) từ tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thành Vô ý làm chết người.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt tối đa là 12 năm tù. Tội Vô ý làm chết người có khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Nếu phạm tội làm chết 2 người trở lên, mức án tù cao nhất là 10 năm.
Trước đó, kết luận điều tra bổ sung vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong vẫn giữ nguyên nội dung buộc tội đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định tại đơn nguyên Thận, Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định.
Ngoài chuyên môn, bác sĩ Lương đã thực hiện một số nhiệm vụ khác như ký xác nhận y lệnh, chủ trì giao ban đơn nguyên Thận khi không có lãnh đạo khoa, ký đề xuất sửa chữa hệ thống RO số 2. Theo lời khai của các đồng nghiệp, Hoàng Công Lương có quyền ký xác nhận vào y lệnh.
Trong vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngày 29/5/2017 làm 9 bệnh nhân tử vong, bác sĩ 32 tuổi biết rõ nước sử dụng lọc máu phải đảm bảo chất lượng, hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước RO.
Cũng liên quan đến vụ án sự cố chạy thận này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285, BLHS năm 1999 (nay là khoản 3, Điều 360, BLHS năm 2015).
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, trong quá trình tố tụng, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh với bị can để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Xuân Hòa