Theo phản ánh của người dân huyện Đông Anh (Hà Nội), thời gian gần đây, các trạm trộn bê tông không phép hoạt động rầm rộ trên địa bàn. Các trạm trộn này không chỉ thiếu hồ sơ pháp lý, xây dựng trái phép mà còn đe dọa đến môi trường và cuộc sống của người dân; đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý đối với cơ quan chức năng, các cấp chính quyền ở huyện Đông Anh.
Tại chân cầu vượt số 3 qua cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (thuộc địa phận xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) thời gian gần đây xuất hiện trạm trộn bê tông, trạm Asphalt nhựa đường của liên danh giữa Công ty TNHH MTV Xây dựng 72 và Công ty cổ phần Tân Hoàng Thành Đô. Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, trạm trộn bê tông này hoạt động không phép, đất sử dụng làm trạm bê tông là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, tình trạng khói bụi do xe chở bê tông đi lại thường xuyên.
Tiếp đến là trạm bê tông không phép của Công ty TNHH Diệp Trang đang ngang nhiên hoạt động trên đất bãi bồi thôn Hải Bối, chiếm cứ một diện tích lớn giữa các ruộng cây. Trạm trộn này hoạt động rầm rộ, nước thải xả trực tiếp ra môi trường, chảy tràn lan ra các khu xung quanh. Đường vào trạm trộn bê tông hiện đã bị cày nát, nhiều sống trâu, ổ gà, các xe trộn bê tông và xe chở vật liệu trọng tải lớn thi nhau di chuyển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm tình trạng bụi dày đặc, mù mịt đáng báo động.
Tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh tồn tai trạm trộn bê tông của Công ty CP sản xuất bê tông sông Hồng được đặt tạm để phục vụ thi công quốc lộ 5 kéo dài. Khi hoàn thành dự án, theo quy định thì công ty phải tháo dỡ công trình, trả nguyên hiện trạng cho UBND xã. Tuy nhiên, đến nay công ty không tự tháo dỡ, thu dọn máy móc mà vẫn tiếp tục hoạt động. Hằng ngày, các trạm trộn này vẫn thường xuyên hoạt động gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tham giao giao thông và người dân sống xung quanh khu vực.
Trạm trộn bê tông Hoàng Minh xây dựng và đi vào hoạt động tháng 1/2019 trên diện tích 3000m2 trong khuôn viên dự án công viên phần mềm do Tập đoàn Vin làm chủ đầu tư. Công suất trạm trộn 90m3/h, trạm trộn hoạt động chưa có giấy phép xây dựng lắp đặt trạm, không có các thủ tục pháp lý về môi trường, chưa có giấy phép xả nước thải, sử dụng một giếng khoan nhưng chưa xin phép .Trạm vẫn vô tư hoạt động trước sự làm ngơ của huyện Đông Anh và xã Tiên Dương.
Ông L. Kh.B người dân thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương cho biết trạm trộn bê tông Hoàng Minh hoạt động “gây bụi bặm, nước thải bê tông không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, được biết hiện nay trạm trộn này đặt ở đây phục vụ dự án công viên phần mềm nhưng sau này sẽ phục vụ các công trình khác trên địa bàn huyện, mỗi khi xe chở cát, đá, bê tông ra vào khiến đường xuống cấp, mưa đường lầy lội, trời nắng bụi lắm”.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đông Anh còn đang tồn tại một số trạm bê tông ngang nhiên hoạt động nhưng thiếu thủ tục, hồ sơ pháp lý cũng như công tác bảo vệ môi trường, có thể kể đến như: trạm trộn bê tông Tân Phương Nam ở xã Dục Tú; trạm Hoàng Minh ở xã Tiên Dương của CP đầu tư phát triển và VLXD Hoàng Minh; trạm trộn ở gần Ga Cổ Loa ở Xã Việt Hùng của Công ty CP Công trình 6 và một số trạm của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đông Anh.
Xung quanh sự tồn tại một cách ngang nhiên của các trạm trộn bê tông không phép trên khu vực huyện Đông Anh (Hà Nội), người dân địa phương đang đặt câu hỏi: Việc các trạm trộn bê tông này tồn tại là do chính quyền huyện Đông Anh bất lực, buông lỏng quản lý hay là sự “ưu ái” đối với các chủ doanh nghiệp? Có thế lực nào đang “bảo kê” cho những trạm trộn bê tông hoạt động bất chấp pháp luật? Trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện Đông Anh đến đâu?
Để bảo đảm tính nghiêm minh của các quy định pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ hoạt động của các trạm bê tông không phép trên địa bàn huyện Đông Anh, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm nói trên.