Được biết, dự án An Thịnh Hotel do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa bàn phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Dự án được cấp phép xây dựng với quy mô 01 tòa 19 tầng, diện tích đất là 1189.6 m2, diện tích xây dựng 713 m2, tổng diện tích sàn dự kiến là 10.704 m2. Bãi đỗ xe của tòa nhà sẽ có diện tích 1020.9 m2 và tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù các hạng mục của dự án An Thịnh Hotel tại đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, thế nhưng tại tầng 5 của dự án này, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên đưa vào sử dụng làm văn phòng... tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mất an toàn lao động.
Theo quy định hiện hành, việc đưa tầng 5 của dự án An Thịnh Hotel để làm nơi làm việc khi chưa thi công xong dự án đã vi phạm nghiêm trọng Điều 31 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng 2014. Bởi, các hạng mục công trình, công trình xây dựng chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng.
Không những đưa tầng 5 của dự án An Thịnh Hotel để làm nơi làm việc khi chưa thi công xong dự án, tại thời điểm dự án đang thi công có rất nhiều công nhân thi công trên công trình thuộc dự án này hoàn toàn không sử dụng mũ bảo hộ; nhiều công nhân làm việc trên cao mà không có đai bảo vệ, vật liệu xếp ngổn ngang, xe ô tô xếp ngay dưới chân công trình, không có biển báo, hàng rào che chắn trong phạm vi công trường, để người dân tự do đi lại, hoạt động trong phạm vi công trường.
Khi được hỏi về vấn đề an toàn lao động, có công nhân bức xúc cho rằng không được trang bị, có người thì nói quen thế rồi, đội mũ bảo hiểm sẽ vướng víu, bất tiện, giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen, trong khi nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn như không có hệ thống lưới che chắn, sàn thao tác, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm... Hầu như chủ đầu tư thiếu nguyên phần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Thời gian qua, mặc dù, các ngành chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo rất nhiều, nhưng cũng tại các công trình xây dựng thuộc dự án trên, không khó để bắt gặp hình ảnh những giàn giáo lắp ghép tạm bợ, công nhân đi dép lê, mặc áo cộc tay, đội mũ mềm… hay hình ảnh công nhân làm việc trên cao mà không có thiết bị bảo hộ an toàn.
Để rộng đường dư luận, PV đã nhiều lần liên lạc với phía Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam, UBND phường Vạn Phúc để liên hệ làm việc, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại PV chưa nhận được thông tin hồi đáp từ phía chủ đầu tư cũng như UBND phường sở tại.
Điều đáng nói, những vi phạm trên của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng chưa hề có động thái từ phía cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về sự thiếu kiểm tra của chính quyền phường Vạn Phúc, thanh tra xây dựng quận Hà Đông?
Đề nghị UBND phường Vạn Phúc, UBND quận Hà Đông và các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử lý bảo đảm đúng quy định pháp luật về xây dựng và an toàn cho những người làm việc tại đây.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Đào Hà - Hoàng Lâm