Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong 6 tháng đầu năm 2019 sau soát xét, ACV lãi trên 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ, tăng trưởng của ACV gây ấn tượng là nhờ vào việc “độc quyền” kinh doanh khai thác 21 cảng hàng không.
Cụ thể, doanh thu ACV đạt 8.927 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.472 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.616 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Tính đến hết quý II/2019, ACV có tổng tài sản khoảng 58.138 tỷ đồng trong đó có 805 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ ACV kinh doanh lãi lớn trong khoảng thời gian trên một phần là do việc tăng mức phí dịch vụ sân bay tăng kéo theo doanh thu từ phí dịch vụ hành khách nội địa, phí an ninh sân bay và các dịch vụ hàng không khác đều tăng mạnh trong kỳ.
Trong đó doanh thu từ dịch vụ hàng không trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7.127 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu từ các mảng dịch vụ phi hàng không đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 11,1%.
Mặc dù thu lãi nghìn tỷ từ việc quản lý 21 Cảng hàng không, thế nhưng khi hạ tầng đường lăn cất, hạ cánh xuống cấp thì công ty lại không tự bỏ tiền ra để sửa chữa mà phải trông chờ vào quyết định của Nhà nước (bộ GTVT) để khắc phục sự cố. Từ đây, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ACV trong việc khắc phục sự cố hạ tầng hàng không trong khi doanh nghiệp này quản lý dòng tiền thu được từ hạ tầng trên.
Lý giải về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Cục trưởng cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết: "Từ năm 2017, ACV đã được cổ phần hóa cho nên hệ thống đường băng tại các sân bay đã được tách ra, phần hạ tầng là tài sản của Nhà nước mà không được tính vào tài sản giao cho ACV.
Do đó, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng đường lăn tại Nội Bài sẽ phải sử dụng bằng ngân sách Nhà nước. ACV muốn tự bỏ tiền sửa chữa cũng không thể được. Các hạng mục về đầu tư và sửa chữa tài sản khu bay tại Cảng hàng không Nội Bài xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng bị tạm dừng là do vướng mắc về cơ chế".
Cục Hàng không đã kiến nghị bộ GTVT xem xét, quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng cho phép ACV sử dụng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý tại các cảng hàng không, sân bay trong đó có Cảng hàng không Nội Bài.
Theo thông tin mới nhất, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng bộ GTVT tiết lộ: "Hiện, bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, với số tiền dự kiến gần 4.500 tỷ đồng để sửa chữa hạ tầng sân bay".
Cũng theo ông Dũng, hiện phần vốn Nhà nước tại ACV chiếm trên 95% do đó, các khoản thu của đơn vị vẫn phải nộp vào ngân sách Nhà nước để quản lý theo đúng quy định.
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: "Hiện, chúng tôi đang rất mong muốn được Nhà nước đồng ý giao cho đơn vị để tự đứng ra sửa chữa, nâng cấp đường lăn để đảm bảo an toàn. Hơn nữa, doanh thu từ việc thu tiền cất, hạ cánh của các chuyến bay công ty chỉ là đơn vị đứng ra thu tiền giúp Nhà nước và nộp toàn bộ vào ngân sách".
Theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cuối tháng 8/2019, bề mặt đường băng 1A đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh máy bay theo vệt càng rộng 1m, có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim… Đường băng 1B thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí 2 tấm bê tông xi măng vênh nhau tới 3cm.
Với khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R cũng xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau máy bay. Tại một số khu vực dù đã được sửa chữa đến nay tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt.