Gần 315.000 lượt thí sinh tham gia
Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Cuộc thi đã thu hút 179.980 thí sinh đăng ký dự thi và 314.675 lượt thí sinh tham gia thi. Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối 300/300 điểm. Có thể thấy, Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng lớn, hấp dẫn tuổi trẻ học đường và trở thành sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Căn cứ kết quả thi vòng loại, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiến hành xác minh thông tin của các thí sinh và lựa chọn 1.033 thí sinh đủ điều kiện tham gia Vòng bán kết của Cuộc thi (trong đó bảng A có 891 thí sinh, bảng B có 142 thí sinh).
Một số địa phương có số lượng thí sinh tham gia Vòng bán kết đông đảo. Cụ thể, đối với Bảng A: Phú Yên (136 thí sinh), Quảng Trị (122 thí sinh), Thái Nguyên (77 thí sinh), Ninh Bình (72 thí sinh), Bình Định (68 thí sinh), Hà Tĩnh (64 thí sinh)… Đối với Bảng B: TP Hồ Chí Minh (82 thí sinh), Thái Nguyên (21 thí sinh), Lâm Đồng (18 thí sinh)…
Căn cứ kết quả thi Vòng bán kết, Ban Tổ chức đã quyết định lựa chọn 277 thí sinh của bảng A (đều đạt điểm tuyệt đối) và 30 thí sinh của bảng B (có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất) của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tham gia Vòng chung kết. Một số tỉnh, thành phố có nhiều thí sinh đủ điều kiện tham gia Vòng chung kết như: Thái Nguyên (45 thí sinh), Bình Định (43 thí sinh), Quảng Trị (36 thí sinh), Lâm Đồng (26 thí sinh), Hà Tĩnh (24 thí sinh), Ninh Bình (22 thí sinh)…
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, với số lượng thí sinh dự thi đông đảo cho thấy Cuộc thi đã thu hút, hấp dẫn tuổi trẻ học đường, tạo “sân chơi” tìm hiểu pháp luật bổ ích, lý thú và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Nhiều bình luận trên trang Web của Cuộc thi (timhieuphapluat.vn) đã đánh giá tốt về mục đích, ý nghĩa, nội dung thi, hình thức thi trực tuyến; hạ tầng, giao diện của trang Web tiện lợi cho người thi. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.
Sức lan tỏa lớn
Sau hơn 2 tháng khẩn trương chuẩn bị, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Tổ chức, sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương và sự tham gia đông đảo của các em học sinh, Cuộc thi chung kết đã diễn ra hết sức thành công và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cuộc thi được tổ chức trực tuyến với hơn 300 thí sinh thuộc 29 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau khi kết thúc Vòng chung kết, Ban Tổ chức sẽ tiến hành chấm điểm phần thi tự luận của các thí sinh để lựa chọn ra những thí sinh có bài viết chất lượng nhất, tổng hợp kết quả thi trong thời gian sớm nhất, từ đó lựa chọn những thí sinh có kết quả cao để trao giải.
Được biết, để tổ chức thành công Vòng chung kết, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành hướng dẫn các địa phương về cách thức thi, gợi ý một số văn bản, tài liệu về nội dung thi, một số yêu cầu trong giám sát thí sinh…. (Công văn số 1851/BTCCT ngày 22/5/2020, Công văn số 1967/BTCCT ngày 01/6/2020…); tổ chức chạy thử phần mềm vào sáng ngày 05/6/2020. Thực hiện hướng dẫn của Ban Tổ chức Cuộc thi, các địa phương đã chủ động, tích cực chuẩn bị, bố trí phòng thi, trang thiết bị, các điều kiện phục vụ việc tổ chức thi, phân công cán bộ, công chức đầu mối, giám sát, trông coi thi và triển khai các nội dung có liên quan đến tổ chức Vòng chung kết.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Cuộc thi đã xây dựng, thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án phục vụ tổ chức Cuộc thi với số lượng 1.240 câu hỏi thi gắn với kiến thức môn học giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em. Để các câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phù hợp với đối tượng dự thi, Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án thi; tổ chức cuộc họp thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án thi.
Đặc biệt, với việc tổ chức hướng dẫn đăng nhập trang web, sử dụng phần mềm giám sát… chính thức vào sáng ngày 05/6/2020 và bổ sung vào chiều ngày 06/6/2020 đã góp phần giải đáp mọi khó khăn, vướng mắc có liên quan đến Cuộc thi cho các địa phương. Có thể khẳng định, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tổ chức thành công Vòng chung kết trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn Giáo dục Egroup, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan; phát huy các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trong truyền thông, thông tin về Cuộc thi.
Một số hình ảnh cuộc thi từ các địa phương: