Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

EVN Hà Nội thanh tra công tác cấp điện của Công ty Điện lực Sóc Sơn

EVN Hà Nội thanh tra công tác cấp điện của Công ty Điện lực Sóc Sơn
Liên quan đến việc một cán bộ của Công ty Điện lực Sóc Sơn bị phản ánh là không minh bạch trong chi phí lắp đặt công trình điện, EVN Hà Nội đã lập đoàn thanh tra xác minh làm rõ sự việc nêu trên.

Tòa soạn PhapluatNet nhận được phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Hà Anh trú tại xóm Đồng Nai, Đô Lương, Sóc Sơn, TP. Hà Nội về việc một cán bộ của Công ty Điện lực Sóc Sơn có dấu hiệu không minh bạch về chi phí trong công tác lắp đặt công trình điện.

Theo phản ánh, gia đình bà Anh có nhu cầu sử dụng điện 03 pha để hoạt động kinh doanh theo ngành nghề nên tiến hành đăng ký lắp đặt với Công ty Điện lực Sóc Sơn. Sau đó, Công ty Điện lực Sóc Sơn đã cử anh Nguyễn Hải Đăng, là cán bộ phòng kỹ thuật về gia đình bà  để khảo sát lập phương án, dự toán và thi công công trình. 

Đến nay, gia đình bà đã được cung cấp và sử dụng điện. Số tiền gia đình bà phải trả cho việc thi công lắp đặt là 550 triệu đồng, trong đó nộp vào tài khoản cá nhân của ông Đăng là 250 triệu đồng và mang 300 triệu đồng đến tận Công ty Điện lực Sóc Sơn để nộp cho ông Đăng nhưng ông không đưa được bất kỳ hóa đơn chứng từ hay phiếu thu nào.

Được biết, để lắp đặt điện cho gia đình bà Anh, ông Đăng có sử dụng 5 cột điện bê tông, 300m dây điện và 1 ATM (át tô mát). 

EVN Hà Nội thanh tra công tác cấp điện của Công ty Điện lực Sóc Sơn
Trụ sở Công ty Điện lực Sóc Sơn.

Từ số liệu thực tế trên, gia đình bà Anh có khảo sát giá thị trường thì được biết mức tổng dự toán lắp đặt công trình điện của gia đình bà chỉ vào khoảng hơn 100 triệu đồng. Vậy nhưng thực tế gia đình bà vẫn phải nộp số tiền là 550 triệu đồng, cao gấp nhiều lần để triển khai.

Không rõ có phải do có sự chênh lệch lớn về mức giá khảo sát và số tiền thực tế phải bỏ ra để lắp điện 03 pha từ Công ty Điện lực Sóc Sơn hay không mà đến nay dù công trình đã thi công xong, điện cũng được cấp cho gia đình bà Anh sử dụng nhưng gia đình bà vẫn chưa nhận được hợp đồng cũng như dự toán lắp đặt từ đơn vị triển khai.

Điều này khiến gia đình bà Anh không khỏi băn khoăn nghi ngờ về sự thiếu minh bạch chi phí trong thi công công trình của cán bộ Công ty Điện lực Sóc Sơn.
Để làm rõ những khúc mắc về chi phí lắp đặt công trình, gia đình bà Anh có đến gặp ông Đăng để yêu cầu ông cung cấp hồ sơ, giải thích về việc lắp đặt. Tuy nhiên, trong buổi đối thoại, ông Đăng nhiều lần nói rằng không có hợp đồng lắp đặt điện, làm do được nhờ vả, thuận mua vừa bán và đòi nhổ cột điện, thu hồi vật tư không cấp điện cho gia đình bà Anh nữa. Hành vi trên của ông Đăng có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm của Công ty Điện lực Sóc Sơn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm điều 175 Bộ luật năm 2015.

Ngày 14/7, gia đình bà Anh đã có đơn khiếu nại vụ việc lên Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội để mong tìm câu trả lời thỏa đáng.

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã đặt lịch làm việc với Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội). Ngày 5/8, trả lời PV PhapluatNet bằng văn bản, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) cho biết: “EVN Hà Nội nhận được thông tin của người dân kiến nghị về công tác cấp điện trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn thuộc Công ty Điện lực Sóc Sơn quản lý. Ngay sau đó, EVN Hà Nội đã lập Đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ sự việc nêu trên tại Công ty điện lực Sóc Sơn”.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 175 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 1 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38513 sec| 645.844 kb