Sáng 4/12, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm đối với Đỗ Văn Đồng (31 tuổi) về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo Khoản 3 Điều 202, Bộ luật Hình sự 1999.
Hồi tháng 8, TAND thị xã Phổ Yên xử sơ thẩm, đánh giá hành vi của tài xế sinh năm 1987 sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, không chấp hành luật giao thông, lỗi do vô ý. Bị cáo chưa có tiền án tiền sự, sau khi gây tai nạn, Đồng tạm lánh và tự giác ra đầu thú. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Đồng 4 năm tù là chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Do đó, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo, tăng hình phạt đối với tài xế 31 tuổi, lên mức 7 - 8 năm tù.
Tranh luận tại tòa, bị cáo đồng Đồng cho biết, bị cáo đã bồi thường 600 triệu đồng cho các bị hại. Do đó, bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Được nói lời sau cùng, bị cáo đồng (tài xế xe bán tải) đã gửi lời xin lỗi gia đình 4 nạn nhân tử vong.
Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy với hành vi lái ôtô tông chết 4 người, mức án sơ thẩm tuyên bị cáo 4 năm tù là không phù hợp, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và chưa tương xứng mức độ phạm tội.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo, chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại, sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt, tuyên Đỗ Văn Đồng 8 năm tù giam.
Trước đó, vào tối 23/12/2017, Đồng lái ôtô bán tải chở hoa quả, lưu thông trên quốc lộ 3 hướng Hà Nội đi Thái Nguyên, với tốc độ khoảng 70 km/h.
Đến gần UBND thị xã thuộc phường Ba Hàng, tài xế phát hiện phía trước đầu xe khoảng 10 m có 4 người đi bộ sang đường, trong đó có 2 trẻ em. Do khoảng cách quá gần, không kịp xử lý nên chiếc xe đã va vào 4 nạn nhân.
Khi đâm va, ôtô do Đồng điều khiển có phanh nhưng di chuyển thêm 30 m mới dừng lại. Sau đó, tài xế xuống gọi taxi đưa 4 nạn nhân đi cấp cứu rồi để lại ôtô, bỏ đi vì sợ gặp người nhà của họ. Sáng hôm sau, anh ta đến công an đầu thú. Lúc đó, cảnh sát đo và xác định nồng độ cồn trong máu của Đồng là 0,29 mmol/lít.
Vụ tai nan trên khiến cả 4 người tử vong gồm: Chị Hoàng Thị Ngọc (SN 1987); bé Phạm Trần Việt Anh (SN 2009); bé Phạm Minh Anh (SN 2017, đều trú tại tổ 34, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) và chị Hoàng Thị Thoa (SN 1996, trú tại xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn).
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bị cáo Đồng 4 năm tù. Bị cáo đã kháng án xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên sau bản án, đại diện bị hại lại làm đơn kháng đề nghị xét lại toàn bộ bản án với các lý do.
Thứ nhất, về hành vi, Đồng điều khiển ô tô trong khu vực đông dân cư, có biển cảnh báo có người đi bộ sang đường nhưng Đồng không giảm tốc độ, không chú ý quan sát. Hành vi trên của anh ta là coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật, hậu quả vụ việc đã làm 4 người thiệt mạng.
Mặt khác, sau khi gây án anh ta rời khỏi hiện trường không giúp các bị hại. Hành vi của Đồng có dấu hiệu "Gây tai nạn xong bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm", dù hành vi thực hiện với lỗi vô ý nhưng cần phải được nghiêm trị để đảm bảo tính pháp luật.
Về mặt hậu quả, bị cáo Đồng gây tai nạn làm chết 4 người, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 2 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 7 – 15 năm tù.
Mặc dù phía bị cáo đã có bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đại diện bị hại vẫn yêu cầu xử lý nghiêm vì hành vi của Đồng vì gây nguy hiểm cho xã hội. Việc TAND thị xã Phổ Yên áp dụng các quy định của pháp luật xử phạt bị cáo dưới mức án thấp nhất của khung hình xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Từ phân tích trên, đại diện bị hại đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại hình phạt đối với bị cáo, đảm bảo sự công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông để giảm thiểu số vụ tai nạn cũng như mất mát về người và của cho xã hội.
G.S (TH)