Từ cậu sinh viên Bách Khoa đến ông chủ phần mềm số Getfly CRM
Tôi tình cờ được gặp anh Hoàng qua một người bạn giới thiệu, được nghe những gì anh chia sẻ về quá trình học tập và làm việc tại Nhật Bản sau đó trở về Việt Nam tự thành lập Công ty riêng với số vốn ít ỏi, câu chuyện của anh đã khiến rất nhiều cánh anh em bạn bè đồng nghiệp của tôi thán phục. Mang trong mình sự nhiệt huyết cùng với quyết tâm hồi hương lập nghiệp, anh Nguyễn Huy Hoàng sinh ngày 07/07/1984 tại Nam Định, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Năm 2002, anh thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, theo học khoa cơ khí chuyên ngành cơ điện tử. Nhưng sau này Nguyễn Huy Hoàng cảm thấy bản thân thật sự hứng thú và đam mê công nghệ thông tin. Anh bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về công nghệ phần mềm cùng với khát vọng muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Năm 2008, Nguyễn Huy Hoàng làm việc cho một công ty ở Nhật Bản với vai trò là kỹ sư lập trình. Sau hai năm, anh về nước trở thành thạc sĩ điều hành doanh nghiệp làm việc tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Cùng vào thời điểm này, Nguyễn Huy Hoàng cho ra mắt dự án sàn thương mại điện tử vật tư phòng cháy chữa cháy và mạng xã hội doanh nghiệp. Lúc còn ở Nhật, các quy trình trong doanh nghiệp được vận hành trơn tru trên nền tảng phần mềm Groupware Cybozu. Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy được tiềm năng từ việc ứng dụng kỹ thuật số hóa trong hệ thống quản trị, quản lý nhân sự bằng công nghệ là điều vô cùng cần thiết. Chính vì thế mà anh là người đặt nền tảng chuyển đổi số tiên phong tại Việt Nam qua công ty Getfly mà anh sáng lập và bắt đầu hoạt động vào năm 2012.
“Kể từ khi hoạt động sau gần 2 năm nỗ lực hoàn thiện, dự án vẫn không triển khai được trong công ty do còn thiếu sót về quy trình, nền tảng. Thời gian này, tôi gặp khủng hoảng suốt 18 tháng, Công ty Getfly không nhận được thêm một hợp đồng nào. Chính sự khủng hoảng lên tới đỉnh điểm nên tôi đã tự trấn tĩnh bản thân. Bằng sự động viên của gia đình và bạn bè đồng nghiệp, tôi nhận ra vấn đề cốt yếu chất lượng phần mềm không phải là yếu tố quyết định mà còn nằm ở cách quản trị và điều hành doanh nghiệp”. – Anh Hoàng trải lòng.
Khó khăn chồng chất, thay vì nản chí hay vội vàng khắc phục hậu quả thì anh Hoàng lại bình tĩnh nghiên cứu và đưa ra kế hoạch mới, triển khai nâng cấp và thay đổi lại phần mềm của mình cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Anh lựa chọn loại hình CRM vì anh nhận thấy được tiềm năng lớn của sản phẩm này. Ứng dụng CRM trong quản trị doanh nghiệp sẽ đem đến giá trị mà đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến. Giai đoạn 2015-2018 công ty Getfly tung ra sản phẩm: Getfly Automation Marketing-tập trung quản lý dữ liệu khách hàng. Cho thấy phản hồi hiệu quả mà phần mềm mang lại. Tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, nền tảng Getfly CRM đã giúp nhiều doanh nghiệp “vượt bão”.
Theo anh Hoàng, công cụ này giải quyết được đến 87% những khó khăn mà các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thường gặp phải như đo lường - so sánh số liệu, đánh giá kết quả, lưu trữ dữ liệu số lượng lớn, tích hợp quản lý dữ liệu và marketing, chăm sóc khách hàng trực tuyến,...
Phát triển từ phần mềm quản lý và chăm sóc khách hàng, Getfly tập trung nâng cấp trở thành nền tảng quản lý doanh nghiệp đồng bộ và linh hoạt. Theo đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng giải pháp Getfly để quản lý toàn diện và hiệu quả tại hầu hết các nghiệp vụ trên 1 nền tảng duy nhất. Bao gồm: quản lý khách hàng, marketing, hoạt động bán hàng (báo giá, hợp đồng, doanh thu), chăm sóc khách hàng, công việc, tài chính - kế toán, kho, nhân sự…Cho phép vận hành doanh nghiệp tự động, tiết kiệm thời gian 2-3 giờ mỗi ngày nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động trơn tru, gia tăng đều đặn doanh số 200-300%/ năm. Bên cạnh đó, với vai trò là công ty công nghệ, Getfly thấu hiểu sứ mệnh của mình trước công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tự tin có thể dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (cung cấp giải pháp tư vấn và triển khai) chuyển đổi số hiệu quả để hướng tới phát triển bền vững.
Chuyển đổi số, lựa chọn quyết định tương lai doanh nghiệp
Hỏi về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam liệu có cần thiết để chuyển đổi số? Anh Nguyễn Huy Hoàng cho rằng nhìn từ những thay đổi khắc nghiệt trong hai năm qua khi cơn sóng covid càn quét toàn bộ nền kinh tế của nước ta, có thể thấy đây không chỉ là vấn đề sống còn mà đang mô tả chính xác một thực tế bởi doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi số sẽ dễ dàng mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong chuyển đổi số, bản thân mình không chậm đi nhưng đối thủ của mình chạy nhanh hơn, sớm muộn gì doanh nghiệp cũng bị bỏ lại.
Theo quan điểm của anh Hoàng, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên..., những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Trong khi đó, đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Để chuyển đổi số hiệu quả thành công, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình và nắm rõ các bước (đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu của doanh nghiệp, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp, lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô và đặc tính doanh nghiệp, tạo ra văn hóa phản hồi mở với nhân viên về định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp, đặt chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm của lãnh đạo và toàn thể doanh nghiệp).
"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài xu thế này nếu không muốn bị bỏ lại. Nếu tổ chức đã tiến hành chuyển đổi số, cần nghĩ đến một kịch bản dài hơi, tìm ra vấn đề nhức nhối nhất hiện tại của doanh nghiệp, tìm công cụ chuyển đổi phù hợp nhất, bắt đầu số hoá từ những vấn đề đơn giản nhất. Vấn đề quyết định thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là niềm tin. Trước tiên là niềm tin từ người lãnh đạo trong việc quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, từ đó mới có thể kéo cả tổ chức vận hành theo. Chuyển đổi số không phải câu chuyện tính bằng 3 tháng hoặc nửa năm mà phải kéo dài vài năm mới có kết quả. Vì vậy khi chuyển đổi số, cả đơn vị tư vấn, thực hiện lẫn doanh nghiệp đều phải có niềm tin vào con đường đã chọn. Song hành cùng tầm nhìn và sứ mệnh, không thể không nhắc tới giá trị cốt lõi về văn hóa biết ơn mà Getfly luôn gìn giữ và phát triển. Đối với Getfly, khách hàng luôn được đặt tại vị trí trung tâm và yếu tố ưu tiên hàng đầu. Cũng vì vậy, mỗi thành viên Getfly từ lãnh đạo và toàn thể nhân viên đều luôn giữ trong mình sự nhiệt huyết, tận tâm, tập trung, bền bỉ, sáng tạo để tối ưu lợi nhuận, tối đa giá trị, đem đến trải nghiệm khách hàng vượt trội”, – Anh Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.
Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…
Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay Getfly đã có hơn 3500 doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản trị Getfly CRM tương đương với hơn 60.000 người dùng, trong đó có hơn 200 ngành nghề đang sử dụng hiệu quả. Sau giai đoạn xây dựng nền tảng phát triển bền vững và chuẩn bị chu đáo về nguồn lực, anh Hoàng cho biết mục tiêu của mình sẽ đưa Getfly phát triển thành một trong những công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam.