Theo thông tin chi tiết về cuộc giải cứu công bố trên một tạp chí y khoa hôm 4/4, các cậu bé đã được thợ lặn cho dùng một liều thuốc mê ketamine nhất định, hay còn được gọi là thuốc K, khi đưa họ khỏi hang động Tham Luang.
Thời điểm đó, báo chí cho rằng đội bóng nhí mắc kẹt trong hang động hai tuần, đã được dùng thuốc mê trong quá trình giải cứu, nhưng các quan chức Thái Lan không cung cấp thông tin chi tiết.
"Chúng tôi phải sử dụng cách thức giữ cho các cháu không hoảng loạn khi đưa chúng ra ngoài", tư lệnh lực lượng đặc nhiệm SEAL hải quân Thái Lan, chuẩn đô đốc Arpakorn Yookongkaew nói. "Điều quan trọng nhất là các cháu còn sống và an toàn".
Trong thư gửi Tạp chí Y học New Zealand, ba bác sĩ Thái Lan và một bác sĩ gây mê người Australia tham gia đội cứu hộ cho biết các cậu bé được đeo mặt nạ oxy và cho mặc đồ lặn.
Bác sĩ gây mê người Úc Richard Harris nói với tạp chí National Geographic: "Tôi không nghĩ việc gây mê sẽ có tác dụng. Tôi dự kiến hai đứa trẻ đầu tiên sẽ bị chết đuối và sau đó chúng tôi sẽ phải làm một điều gì khác. Tôi đặt tỉ lệ sống sót của bọn trẻ ở mức không".
Bốn cậu bé đầu tiên ra khỏi hang Tham Luang – lúc đó bị ngập nước - đã đeo kính râm để bảo vệ mắt sau khi bị mắc kẹt quá lâu. Trong đó, cậu bé thứ hai rời khỏi hang bị hạ thân nhiệt dù tất cả các em được phát chăn để giữ ấm cơ thể.
Trong lúc rời hang, tất cả không để cho đầu và cổ cử động nhằm tránh bị chấn thương cột sống.
Các thợ lặn tham gia cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan cũng mô tả tình trạng tồi tệ mà họ phải đối mặt. Thời gian trở nên gấp rút do điều kiện bên trong hang Tham Luang ngày càng xấu đi và các thợ lặn gần như không thể nhìn thấy bàn tay của họ trước mặt.
Các thợ lặn sử dụng một sợi dây dẫn dày hơn 7 cm, một tay kéo thân mình dọc theo dòng nước, tay còn lại kéo các cậu bé. Một nhân viên cứu hộ là cựu đặc nhiệm Thái Lan đã thiệt mạng khi chuyển bình oxy vào trong hang trước khi các em được giải cứu thành công.
Đội bóng gồm 12 cậu bé và một huấn luyện viên bóng đá bị mắc kẹt trong bóng tối ở hang Hang Tham Luang từ ngày 23-6-2018. Cuộc giải cứu kéo dài 18 ngày do nhóm thợ lặn chuyên nghiệp dẫn đầu bởi các chuyên gia Anh và đặc nhiệm Thái Lan được cộng đồng quốc tế đánh giá là một kỳ tích.
H.A (TH)