Nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải cứu 12 thành viên trong đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 đã quy tụ hàng chục thợ lặn hàng đầu thế giới, trong đó có 50 thợ lặn nước ngoài và 40 thợ lặn Thái Lan. Tới hang Tham Luang tham gia chiến dịch giải cứu, tất cả họ đều nhận thức được những nguy hiểm mà họ có thể sẽ phải đối mặt.
Tất cả các thợ lặn đều đã đổ về phía bắc Thái Lan để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên. Ngay cả đối với những thợ lặn được huấn luyện chuyên nghiệp nhất, chiến dịch giải cứu này cũng là thách thức không hề nhỏ đối với họ.
“Dù cho bạn là thợ lặn SEAL của Hải quân, hay thợ lặn bình thường và từng trải qua các khóa huấn luyện giải cứu, điều đó chẳng thấm vào đâu so với những gì bạn phải làm trong chiến dịch giải cứu thực sự”, ông Mann, tác giả của cuốn sách “Làm thế nào để trở thành đặc nhiệm Hải quân: Tất cả những gì bạn cần biết để trở thành thành viên của lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Mỹ”, cho biết.
“Đặc nhiệm SEAL đã quen với việc đương đầu và hy sinh tính mạng cho sự sống của người khác. Họ luôn sẵn sàng như vậy. Đó là lý do họ gia nhập lực lượng. Ngay cả khi huấn luyện, họ cũng đối mặt với nguy cơ đe dọa tới mạng sống. Điều đó cho thấy họ được huấn luyện khắc nghiệt như thế nào”, Don Mann, cựu đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, nói với ABC News.
Bên cạnh đó, những người này cũng ca ngợi những cầu thủ nhí. "Bọn trẻ buộc phải làm những điều mà chúng chưa từng làm trước đó. Bơi lặn trong hang ở tuổi 11 là điều hiếm thấy đối với trẻ em, nhất là khi môi trường đó cực kỳ gian khổ với tầm nhìn bằng 0... Chúng tôi đã rất lo rằng bọn trẻ sẽ hoảng sợ. Tôi không thể hiểu được tại sao chúng lại bình tĩnh như vậy. Thật là những đứa trẻ mạnh mẽ đến không thể tin được" - ông Karadzic, một người Đan Mạch, có vai trò giúp cung cấp bình dưỡng khí thay thế cho những thợ lặn trong quá trình mang các em ra ngoài nói.
Khi được hỏi về phản ứng khi nhìn thấy đứa trẻ đầu tiên trồi lên, ông thừa nhận là mình rất sợ vì với tầm nhìn hạn chế, ông không chắc liệu đứa trẻ có gặp bất trắc gì hay không. Tới khi nhận thấy cậu bé còn thở, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Theo ông Karadzic, 4 đứa trẻ được mang ra đầu tiên không hề hoảng loạn.
Một phần lý do của sự điềm tĩnh nói trên có lẽ đến từ việc huấn luyện viên 25 tuổi Ekkapol "Aek" Chanthawong đã dạy bọn trẻ ngồi thiền. Ekkapol từng đi tu khoảng 10 năm trước khi trở thành huấn luyện viên bóng đá. Một lý do khác là các em thường xuyên tham gia các hoạt động huấn luyện nhằm củng cố tinh thần đoàn kết của đội bóng. Chuyến đi định mệnh hôm 23-6 cũng là một phần kế hoạch tập luyện, chỉ có điều nó diễn ra không đúng nơi và không đúng lúc.
Tính đến chiều nay, các thợ lặn đã giải cứu thành công 11 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang và đang gấp rút đưa 2 người còn lại ra khỏi hang trong thời gian sớm nhất. Trước khi bắt đầu chiến dịch giải cứu, các thợ lặn đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh họ nắm tay nhau với thông điệp: “Chúng tôi, đội cứu hộ Thái Lan và quốc tế, sẽ đưa Lợn hoang (tên đội bóng) về nhà”.
Trước đó, Saman Gunan, một cựu thành viên của đặc nhiệm Hoàng gia Thái Lan, đã thiệt mạng khi đang đặt các bình khí trong hang Tham Luang. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Gunan được cho là do thiếu oxy khi đang tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng.
Đức Anh (TH)