Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Giám đốc Công an TP.HCM: 'Không thể chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê làm ảnh hưởng trật tự xã hội'

Giám đốc Công an TP.HCM: 'Không thể chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê làm ảnh hưởng trật tự xã hội'
Lần thứ hai trả lời trước HĐND TP.HCM khóa IX, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong đã nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh tội phạm tín dụng đen, xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán ma túy,...Theo đó, Trung tướng Lê Đông Phong tái khẳng định đề xuất với UBND TP, kiến nghị Chính phủ không chấp nhận dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê.

Trong sáng 9/12, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong tiếp tục được các đại biểu HĐND TP chất vấn. Các nội dung xoay quanh tình hình thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Bên cạnh đó là các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tình trạng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê gây mất trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em.

Đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả trong dịp Tết Nguyên Đán 2020 cũng được thảo luận.

Giám đốc Công an TP.HCM: 'Không thể chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê làm ảnh hưởng trật tự xã hội'
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM.

Ngoài ra, người đứng đầu Công an TP trả lời thêm về công tác tác phối hợp quản lý địa bàn trong đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm kịp thời xử lý, không bỏ lọt tội phạm tại các khu vực, địa bàn giáp ranh (giữa các phường, xã, thị trấn; giữa các quận, huyện; giữa thành phố và các tỉnh giáp ranh).

Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong 11 tháng đầu năm, trên địa bàn có khoảng 4.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, giảm 360 vụ so với cùng kỳ. Các đơn vị điều tra đã triệt phá 3.080 vụ. Tỉ lệ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 88,75%.

Năm 2019, tình hình phạm pháp đã kéo giảm 8,25%, tỉ lệ kéo giảm của cả nước là 6,25%. 

Tỉ lệ các vụ án hình sự là 76,98%, tỉ lệ tin báo tố giác tội phạm đạt 92,92% và vượt các chỉ tiêu năm.

Giám đốc Công an TP.HCM: 'Không thể chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê làm ảnh hưởng trật tự xã hội'
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (áo vàng).

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi về các giải pháp của Công an TP.HCM đối với vấn nạn tín dụng đen.

“Tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, một số vụ việc vi phạm xử lý được chỉ khi xảy ra vi phạm hình sự, còn đại đa số đối tượng có hành vi khủng bố tinh thần khiến người bị đòi nợ hoang mang, thậm chí tự sát thì chưa được xử lý nghiêm minh”, bà Trâm nhận định.

Trả lời vấn đề này, Trung tướng Lê Đông Phong nói: “Chúng ta cần xác định hành vi này là trái pháp luật, nhưng quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn trong việc chứng minh các dấu hiệu cấu thành”.

Theo ông Phong, trên địa bàn TP còn 51 nhóm, 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi hoặc đòi nợ trái pháp luật.

Năm 2018 là 94 nhóm, 393 đối tượng. Năm nay đã khởi tố 9 vụ, 31 đối tượng, xử lý 38 nhóm, 168 đối tượng.

Cuối năm 2018, các hành vi đe dọa, hăm dọa tạt chất bẩn gia tăng đột biến, tuy nhiên năm nay đã hạn chế được phần nào.

"Chúng tôi đã quán triệt công an cơ sở chủ động phát hiện từ đầu không để xảy ra tình trạng xâm phạm trật tự nơi công cộng, xâm phạm sự an toàn của người bị đòi nợ”, ông Phong nêu rõ.

Đồng thời, ông Phong cũng tái khẳng định, Công an TP kiến nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê.

“Theo quy định đây là hình thức dịch vụ hỗ trợ giao dịch thông thường, nhưng những doanh nghiệp này thường có đối tượng xấu ẩn mình sau nó.

Cách thức đòi nợ thuê thường là khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho con nợ, gây mất trật tự công cộng nên quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận loại hình này", ông Phong đánh giá.

Về vấn đề tội phạm liên quan đến ma túy, quản lý người nghiện, Trung tướng Lê Đông Phong đề xuất thay đổi nhận thức lại vai trò người nghiện và sử dụng ma túy, không thể coi đây là nhóm đối tượng bị tác động thụ động mà ở đây người bán và người sử dụng là sự tương tác 2 chiều.

“Cần có giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp vì việc nghiện và sử dụng ma túy có yếu tố xã hội rất lớn. Nhóm có quan hệ thân thích trong gia đình hoặc trong nhóm bạn, 1 người sử dụng ma túy dẫn đến những người khác cũng sử dụng.

Có khi người nghiện, người sử dụng cũng là người tàng trữ, buôn bán ma túy. Nhìn nhận như vậy để phân loại và đưa ra giải pháp hữu hiệu”, ông Phong trình bày.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39327 sec| 646.484 kb