Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Giáo viên lý giải nguyên nhân cần bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10

Giáo viên lý giải nguyên nhân cần bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10
Dưới góc nhìn của một giáo viên, thầy Nông Ngọc Trọng - Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu I, Bình Dương) - cho rằng, việc cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh vào lớp 10 là không cần thiết.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT mới công bố đã bỏ đi khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 năm 2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: Đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích. Như vậy, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.

Khi học nghề không đúng bản chất

Nhiều năm qua, Hà Nội đã áp dụng cộng điểm khuyến khích từ 0,5 - 1,5 điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 với HS có chứng chỉ nghề, tùy vào từng loại chứng chỉ (trung bình, khá, giỏi). Điều rất dễ nhận thấy là việc học và thi lấy chứng chỉ nghề ngày càng căng thẳng theo tính chất của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Giáo viên lý giải nguyên nhân cần bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10
Mục tiêu của học nghề phổ thông là hướng tới việc làm tốt hơn công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Ảnh minh họa

Việc dạy và học nghề trong trường phổ thông đã ngày càng bị biến tướng. Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT có tới 11 loại nghề khác nhau để HS lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường đều “khuyến khích” HS chọn một nghề dễ dạy, dễ học và dễ… lấy điểm nhất.

Một HS lớp 9 cho biết: “Nếu được lựa chọn em sẽ chọn nghề cắt may vì em rất thích may vá, nhưng cô chủ nhiệm cho biết tất cả các con phải chọn nghề tin học để dễ bố trí lớp học và thuận tiện cho việc tổ chức ôn thi, tổ chức thi sau này”.

Không chỉ dừng ở việc không được chọn nghề yêu thích mà còn bởi sự lạc hậu, lỗi thời trong chính chương trình môn nghề đó. Ví dụ, với môn tin học, khi cả thế giới đã dùng tới Microsoft Office 2013 hoặc 2017 thì HS vẫn phải học Microsoft Office 2003 với những kiến thức đã lạc hậu.

Thầy Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật đó là, việc dạy nghề cho học sinh ở bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho học sinh trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. 

Cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh vào lớp 10 là không cần thiết

Dưới góc nhìn của một giáo viên, thầy Nông Ngọc Trọng - Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu I, Bình Dương) - cho rằng, việc cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh vào lớp 10 là không cần thiết. Bởi theo thầy Trọng: Trên thực tế việc học nghề, thi nghề ở THCS đã không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Học sinh học chỉ nhằm mục đích cộng điểm chứ không vì mục đích định hướng nghề nghiệp. Từ đó, làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Giáo viên lý giải nguyên nhân cần bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10
Hầu hết học sinh buộc phải học tin học do không có lựa chọn khác

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thuận - Trường THPT Anh Hùng Núp (Gia Lai) - thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề vào tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý vì hiện nay chứng chỉ nghề bậc THCS không phát huy được hiệu quả; thậm chí nhiều phụ huynh còn lợi dụng để làm "hồ sơ đẹp" cho con em mình.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng chứng chỉ nghề vẫn là điều kiện để xét tốt nghiệp THCS và THPT. Việc bỏ cộng điểm cùng với các giải pháp phân luồng, hướng nghiệp tốt hơn trong thời gian tới sẽ giúp việc dạy nghề trong trường phổ thông trở lại đúng mục tiêu của nó.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, công tác dạy nghề phổ thông sẽ phải đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả hơn, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn, phù hợp với nhu cầu học sinh.

Tú An (Tổng hợp)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.21019 sec| 634.375 kb