Đêm 27/3, nhiều trang fanpage lớn và dịch vụ trực tuyến đồng loạt thông báo về sự cố liên quan đến những ứng dụng phát triển trên nền tảng Facebook và Messenger ở Việt Nam.
Những ứng dụng (app) phát triển từ Việt Nam trên Facebook và Messenger hiện không thể hoạt động do bị đóng API. Theo đó, việc đăng nhập vào hệ thống website thông qua tài khoản Facebook đang bị tạm ngừng. Các ứng dụng liên quan như Facebook Shop và các app phát triển từ bên thứ ba có sử dụng API thu thập thông tin cá nhân của người dùng đều không thể hoạt động.
"Hai ngày nay, những ứng dụng kết nối với Facebook và Messenger của nhà phát triển ở Việt Nam đều bị dừng hoạt động", Nguyễn Thanh Tùng, một lập trình viên hỗ trợ hệ thống cho các website bán hàng ở TP.HCM, cho biết. Theo Tùng, các tính năng liên quan đến thông tin người dùng facebook của website hoặc các app yêu cầu người dùng cấp thông tin cá nhân đều bị ảnh hưởng.
"Quá nhiều bên bị ảnh hưởng, mình và các bạn trong nhóm đang chia nhau giải quyết cho từng khách hàng nhưng không xuể", Tùng nói thêm.
Facebook cho biết hãng đã cập nhật thêm tính năng cho Facebook và ảnh hưởng tới Messenger nhằm mang đến cho người dùng thêm nhiều quyền quản lý dữ liệu của mình, đồng thời đặt các bước bảo vệ mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng sai mục đích mà người dùng không hay biết.
Các ứng dụng liên quan đến Facebook như Facebook Login, Facebook Shop sẽ tạm ngừng đăng ký mới. Những ứng dụng cũ đã đăng ký, đồng bộ vẫn hoạt động bình thường.
Tại Việt Nam, Facebook đang là một trong những nền tảng bán hàng trực tuyến lớn nhất, có nhiều ảnh hưởng. Đa phần người bán hàng trên mạng phải sử dụng công cụ hỗ trợ quản lý hội thoại trên Messenger (nền tảng nhắn tin của Facebook) để tăng hiệu quả. Sau khi Facebook đóng API, nhiều người sẽ phải sử dụng công cụ mặc định, làm tăng thao tác thực hiện nhưng lại giảm hiệu quả.
Theo Đoàn Trung Thông, đại diện một doanh nghiệp thương mại điện tử ở Hà Nội, hiện những người bán hàng online đều phải sử dụng các công cụ hỗ trợ quản lý hội thoại trên Messenger, tương tác khách hàng trên Facebook để tăng hiệu quả phản hồi, sau đó chốt đơn hàng từ comment, inbox của khách trên fanpage.
"Nếu không dùng được các app này thì các bạn bán hàng online phải sử dụng bộ công cụ mặc định của Facebook, hiệu quả rất kém, không tối ưu thao tác cho người dùng", Thông cho biết.
Động thái trên là cách sửa sai tạm thời của Facebook. Tuần trước, CEO Mark Zuckerberg phải lên tiếng xin lỗi trước truyền thông vì để xảy ra scandal lớn nhất trong lịch sử mạng xã hội này.
Từ 2014, Facebook đã cho phép một nhà phát triển ứng dụng tiếp cận được dữ liệu cá nhân của hàng trăm ngàn người dùng. Sau đó, dữ liệu này bị nhà phát triển trên bán lại cho Cambridge Analytica - một công ty chuyên phân tích, được cho đứng sau chiến thắng của Tổng thống Donal Trump nhờ "đầu độc chính trị" hơn 50 triệu người dùng Facebook. Cambridge Analytica cũng bị nghi dính đến Brexit ở Anh.
Hải Anh (TH)