Cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 20km về phía nam Vịnh Hạ Long, Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn nằm ngay trong khu vực làng chài Cửa Vạn. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, với nhiều nét đẹp văn hoá cũng như phong tục tập quán mang đậm sắc thái vùng biển của một cộng đồng ngư dân sinh sống trên Vịnh đã và đang được bảo tồn, gìn giữ...
Nhằm thu hút khách từ những sản phẩm du lịch mang màu sắc bản địa, những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh. Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn ra đời năm 2006. Đây là một dự án đặc biệt trong 12 dự án thành phần của Bảo tàng sinh thái Hạ Long (Bảo tàng sinh thái đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á) được cơ quan hợp tác phát triển Nauy tài trợ. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt xem, tìm hiểu hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, ấn phẩm về văn hóa dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay… Tất cả được tái hiện lại bằng mô hình theo 6 chủ đề chính: Tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống của ngư dân; đời sống vật chất của dân chài; thủy cư với cuộc sống đời người; tâm linh với cuộc sống tinh thần; cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hơn 1.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến đời sống của người dân làng chài cư trú trên vịnh. Ngoài trưng bày triển lãm cố định những hiện vật thu thập được tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, Ban Quản lý Vịnh cũng tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân theo chủ đề, như: Phát triển du lịch bền vững từ giá trị lịch sử văn hóa trên Vịnh Hạ Long, ngư cụ đánh bắt truyền thống của ngư dân…; tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề có sự thay đổi theo từng sự kiện, thời điểm lịch sử và cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Đồng thời, Ban phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống làng chài cho du khách ngay trên vịnh. Qua các hiện vật sống động và trải nghiệm thực tế, du khách phần nào hiểu, có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống của cư dân làng chài trên vịnh với những nét đặc trưng riêng.
Khách du lịch đến làng chài là để xem, tham quan và trải nghiệm cuộc sống thực của ngư dân. Người dân không sống ở đó mà nói bảo tồn làng chài để làm du lịch thì cực kỳ khó. Nếu người dân không sống tại đó với những sinh hoạt thường nhật mà chỉ trở về làm diễn viên thì chỉ là diễn lại cuộc sống của họ, du khách không muốn xem đâu. Với những người làm văn hoá cũng thế, đến là để xem cuộc sống thực, văn hoá thực, chứ không đến để xem tái hiện lại. Vì vậy, để xây dựng sản phẩm du lịch này trước hết cần có sự khảo sát trực tiếp với các hãng lữ hành về nhu cầu của khách đã...”.
Đến với Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn, Bà Vũ Thị Tuyết Nga, du khách đến từ tỉnh Điện Biên chia sẻ: Vịnh Hạ Long không chỉ có đá và nước tuyệt đẹp mà đến đây, tôi được chiêm ngưỡng những bức ảnh rất sống động, đặc biệt được nghe hát giao duyên, xem trình diễn đan ngư cụ và tìm hiểu về văn hóa làng chài trên Vịnh Hạ Long khiến tôi rất thích thú.
Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hoá làng chài Cửa Vạn nói riêng và của thành phố Hạ Long nói chung. Ở đây không chỉ là văn hoá truyền thống mà cả văn hoá đương đại; không chỉ là văn hoá điển hình mà cả là văn hoá đời thường. Và đây cũng chính là nơi gắn kết cộng đồng ngư dân cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy bền vững các giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Với định hướng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực và quyết tâm biến những giá trị văn hóa trên Vịnh Hạ Long trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn, từ đó phát triển du lịch cộng đồng và tạo thêm sinh kế cho người ngư dân. Đó cũng là cách để gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hóa được coi là phần hồn của di sản kỳ quan Vịnh Hạ Long.