Theo nhận định của một số thí sinh, đề thi Ngữ văn khá khó với phần nghị luận vào truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, trong buổi thi sáng hôm nay, nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi từ sớm.
Theo các thầy cô giáo ở hệ thống giáo dục Học mãi, nhìn một cách tổng quan, đề thi có những đối mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi.
Cụ thể, vấn đề đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” - một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.
Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có vấn đề (“vấn đề” không phải lúc nào cũng là tiêu cực) bởi xét đơn thuần ở tính logic của câu hỏi thì đây là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên”. Tuy nhiên, câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh – học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.
Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận trong câu làm văn số 1 có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay – và yêu cầu nghị luận ấy hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình. Yêu cầu đề bài rất cụ thể về hình thức là 1 đoạn văn; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh – đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học.
Câu 2 phần nghị luận đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghi luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: Khi tạo ra mối quan hệ so sánh đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu… Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.
Trong khi đó, Ban giải đề Học trực tuyến Tuyensinh247.com hướng dẫn giải đề Văn như sau:
PHẦN 1: ĐỌC HIỂU
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: tự do
Câu 2. Trong đoạn trích, những yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước là: đất đai, khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa, sông bể.
Câu 3: Hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích:
Xoáy sâu vào vấn đề: Tiềm lực tự nhiên của đất nước và việc đánh thức tiềm lực ấy.
Sự trăn trở của người viết về việc đánh thức tiềm lực quốc gia và khai thác có hiệu quả những nguồn lực đó.
Nhắc nhở mỗi cá nhân: tự vấn, tự hỏi về sự đối lập giữa cuộc sống hiện tại còn nghèo khó và sự giàu có của tài nguyên đất nước
Câu 4. Quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì
Trước hết, hai câu thơ là sự tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước. Nhưng trên tất cả là sự trăn trở của tác giả về việc chúng ta mới chỉ khai thác và tận dụng được một phần nhỏ trong sự giàu có của tài nguyên đất nước, mà sự khai thác ấy thực tế chưa đúng cách, chưa đi cùng sự bảo vệ, giữ gìn khiến tài nguyên thiên nhiên đất nước hoang phí, dần cạn kiệt.
Trong khi đó tiềm lực thực sự của đất nước còn phong phú, còn cần sự "đánh thức" một cách khoa học, bền vững.
Phần II : LÀM VĂN
1.Giải thích
Tiềm lực đất nước là sức mạnh nội tại, tiềm tàng của đất nước. Về cả nhân lực, vật lực (tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh con người); ngoài ra còn có thể là sức mạnh phi vật thể ( giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử)
Đánh thức tiềm lực đất nước là khơi dậy, vận dụng có hiệu quả sáng tạo những tiềm lực ấy.
2.Vì sao phải đánh thức tiềm lực đất nước?
Đánh thức tiềm lực đất nước để đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.
Cần phải đánh thức tiềm lực vì Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên "rừng vàng biển bạc" nhưng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên đất nước.
Đánh thức tiềm lực đất nước không phải là khai thác "vô tội vạ" các tài nguyên đất nước khoáng sản… mà phải khai thác hợp lí, có hiệu quả, khai thác đi kèm phát triển bền vững, giữ gìn và bảo vệ cho con cháu mai sau.
3. Sứ mệnh, trách nhiệm đánh thức tiềm lực đất nước của cá nhân trong thực tiễn ngày nay.
Đó là trách nhiệm của tất cả cá nhân trong cộng đồng, không phải là trách nhiệm của riêng ai.
Ý thức đúng đắn về tiềm lực của đất nước: không phải là vô tận để mà lãng phí.
Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa đất nước nói chung và tài nguyên đất nước nói riêng, từ đó tạo nên "sức mạnh chân chính của một quốc gia", đặc biệt là trong xu thế hội nhập với thế giới.
4. Phản đề
Đất nước có nhiều tiềm lực nhưng nếu không biết khai thác, khơi dậy những tiềm lực ấy thì đất nước vẫn mãi lạc hậu, tiềm lực vẫn "ngủ yên".
Bản thân mỗi công dân phải có sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước và của chính mình nhưng vẫn còn không ít người sống không có lí tưởng, sống ích kỉ, làm chậm sự phát triển của đất nước.
5.Bài học hành động và liên hệ bản thân
Là thế hệ tương lai của đất nước, em đã và đang làm gì để đánh thức tiềm lực của đất nước.
Đáp án chính thức môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2018 của bộ GD&ĐT sẽ được cập nhật sớm nhất. Xin quý vị hãy liên tục cập nhật để có được kết quả nhanh và chính xác nhất. Trong khi chờ đáp án chính thức, thí sinh xem gợi ý đáp án tại đây.
Vũ Anh (TH)