Và khi được đặt đúng sở trường, đúng vị trí, chúng mới phát huy được hết tiềm năng bản thân.
Cô em gái tôi từng đau khổ, vò đầu bứt trán khi đứa con gái đang chập chững cấp hai mê thơ, mê văn. Nó say đến mức, 1 cánh hoa rơi, 1 con côn trùng bị người đời vô tình giẫm chết, cũng thành mẩu chuyện ý nghĩa.
Nó ghi ghi chép chép những chuyện vô thưởng vô phạt xảy ra xung quanh, rồi suy nghĩ, trầm tư, thắc mắc như bà cụ non. Em tôi lo bởi lẽ, sợ cái “nghiệp thơ văn” nó vận vào thân con bé. Đa sầu, đa cảm, vướng bận nhân gian, sợ rồi không dứt ra được.
Trong khi các bạn cùng trang lứa sống thực tế, biết tiêu tiền, thậm chí kiếm tiền, bon chen trong chính ngôi nhà mình… thì cháu tôi vẫn mơ màng, mổ xẻ mọi sự theo trí tưởng tượng của riêng nó. Với lại, đã thấy nữ thi nhân, nhà văn nào dù giỏi có cuộc sống hạnh phúc tròn đầy? Đa số họ chấp nhận sự cắc cớ, tréo ngoe của số phận, để rồi vùng vẫy, lặn ngụp trong đó, mải mê tìm cảm hứng.
Quan trọng hơn, ngày đó cháu tôi học giỏi nhiều môn, được quyền lựa chọn vào đội tuyển Văn, Toán, Ngoại ngữ. Đương nhiên, nó chọn môn Văn, còn phụ huynh lại thích Ngoại ngữ cho chuẩn thời thượng. Con nhà người ta xuất ngoại du học rầm rầm, vướng ba chuyện thơ văn, chữ nghĩa, vừa mệt đầu, sau khó kiếm tiền, khó lấy chồng, còn thành danh thì rũ xác cũng chửa thấy đâu.
Xin đừng dùng quyền người lớn, gây áp lực, ép buộc con cái nương theo ý mình.
Cả hai vợ chồng quyết tâm bằng mọi giá phải chặn bằng được cái ý nghĩ “điên rồ” của cô con gái bé bỏng. Khuyên bảo, giảng giải, đe nẹt, con bé vẫn một mực thích Văn. Đành chiều theo mà trong lòng bố mẹ lúc nào cũng nặng trĩu, lo ngay ngáy, thương con. Biết chuyện, tôi bảo, cứ để con phát huy sở trường, học theo lĩnh vực con thích. Ít ra con cũng cảm thấy tự tin, sung sướng khi được sống bằng đam mê, dù biết, con đường ấy không hề bằng phẳng.
Và tôi tin, cháu gái được học và làm nghề mình yêu thích, chắc chắn sau này nó sẽ thành công. Bởi theo tôi, điều quyết định cuộc đời một người không phải việc học cao đến đâu, có nhiều bằng cấp hay học môn “thời thượng” thế nào, mà là việc có chí tiến thủ, có thể mài giũa được sở trường hay không.
Dù chưa hẳn giống nhau, nhưng việc cháu gái quyết theo nghiệp văn thơ khiến tôi liên tưởng câu chuyện cựu học sinh nước bạn. Ngày đi học, cậu bé được mệnh danh “khỉ con”, bởi em giỏi trèo cây, hơn nữa còn trèo rất cao. 16 năm sau, cậu tự hào nói với bạn bè, mình theo nghề xây dựng, là công nhân lắp ráp kết cấu khung sắt trong các công trình cao ốc.
Thu nhập hàng tháng cao chót vót. Tài trèo leo, nghịch ngợm, người khác nhìn có thể cho đó là trò vô tích sự, nhưng sau này cậu biết vận dụng sở trường, tìm cho mình một công việc phù hợp. Cậu mài giũa kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm trở thành thợ lắp đinh ốc giỏi, thu nhập gấp chục lần người bình thường. Mới hiểu, khi biết phát huy sở trường, tiềm năng, biết phấn đấu, rèn ý chí, nghị lực, sẽ gặt hái được thành công.
Hôm nay, gia đình nhận tin vui, cái con bé tồ tệch, mơ màng đạt điểm cao nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn thành phố. Bố mẹ nó mừng ra mặt, tự hào vì con, có chút ân hận vì 2 năm trước đã tỏ ý can ngăn, định hướng không hề nhẹ.
Xin đừng dùng quyền người lớn, gây áp lực, ép buộc con cái nương theo ý mình. Bởi cha mẹ không thể thay con quyết định cuộc đời chúng, không thể bắt con sống cuộc đời cha mẹ muốn. Và khi được đặt đúng sở trường, đúng vị trí, chúng mới phát huy được hết tiềm năng bản thân. Cũng là cách ta gieo hạt đúng chỗ, mầm sẽ sinh sôi, khỏe mạnh, tự tin vươn lên, dù ngoài kia nắng gắt, bão giông hay tuyết phủ.
Minh Hương