Sáng ngày 16/5, thành phố Hà Nội khởi động "dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor".
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ trên đã được sử dụng thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm cho các con sông ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
"Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, sẽ xử lý căn cơ và triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch", ông Tadashi Yamamura nói.
Cũng theo đó, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.
Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.
Một chuyên gia cho hay các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn. Hiện thời gian các hộp thiết bị phát huy tác dụng và kinh phí thí điểm chưa được công bố.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nói, công nghệ Nano-Bioreactor đã được sử dụng thành công tại một hồ ở TP Hải Phòng. Việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra địa phương khác.
"Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải bảo bối giúp môi trường sạch sẽ mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể về xử lý rác thải và nước thải từ nguồn", ông Khải nhấn mạnh.