Sáng 7/6, thí sinh dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội bắt đầu với môn Ngữ văn. Chưa đến 7h, tại điểm thi THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã rất đông phụ huynh đưa con em đến tập trung.
Do số lượng thí sinh tăng đột biến, 22.000 em so với năm ngoái, kỳ thi năm nay được đánh giá sẽ rất khốc liệt. Theo quy định, những thí sinh đến muộn sau 15 phút tính từ giờ làm bài (8h) sẽ không được thi môn đó.
Năm nay, để thắt chặt khâu an ninh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phiếu báo dự thi phải có ảnh và được đóng dấu giáp lai. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 là 94.964 em; nguyện vọng 2 là 89.602 em. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018-2019 là 63.050.
Từ 6h30 sáng, tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, hàng nghìn thí sinh đã có mặt để chuẩn bị bước vào môn thi ngữ văn. Nhiều tốp học sinh tụm lại trao đổi, ôn lại bài trước khi bước vào phòng thi.
Em Nguyễn Thùy Linh cho biết em mong muốn giành 1 suất vào Trường Chu Văn An nên đã chuẩn bị rất kỹ trước kỳ thi này, hy vọng đề thi theo hướng mở với thực tế để em thể hiện suy nghĩ của mình.
Mặc dù tỉ lệ 1 chọi 2-3 nhưng em sẽ cố gắng đạt 8-9 điểm vì những lần thi thử hay làm thử trước đó em đạt kết quả khá trở lên.
Ông Nguyễn Phú Cường (Phó trưởng điểm thi trường Việt Đức, Hà Nội) cho biết: “Tại điểm thi trường Việt Đức trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2018 có 20 phòng thi và 480 thí sinh tham dự. Áp lực thi cử thì năm nào cũng vậy, nhưng nếu các em bình tĩnh tự tin và làm bài thật tốt thì theo tôi cũng không có gì phải đáng lo cả".
Năm nay, Hà Nội có 185 điểm thi với gần 4.000 phòng thi. Về phương án tổ chức thi, hiện toàn thành phố có 712 trường THCS và THPT công lập có thể đặt điểm thi, kể cả thi THPT quốc gia nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết chỉ đặt 185 điểm. Con số này cũng đã nhiều hơn năm trước nên có thể giảm áp lực.
Tại Hà Đông, quận bố trí hẳn xe trực cấp cứu. Theo lãnh đạo quận, nếu điểm thi nào cán bộ giám thị hoặc thí sinh cần can thiệp y tế gấp mà cán bộ y tế ở điểm thi không thể xử lý được, quận sẽ điều động xe tới tận điểm thi để cấp cứu.
Đặc biệt, mỗi điểm thi, quận đều bố trí hai cán bộ sửa chữa điện để túc trực, kịp thời can thiệp nếu xảy ra sự cố mất điện.
Theo nhiều giáo viên dạy ôn tập, dự đoán đề thi cả môn văn và toán đều sẽ không ra theo hướng đột phá mà bám sát cấu trúc đề thi đã ổn định nhiều năm ở Hà Nội.
Nhận định về quan điểm ra đề trong nhiều năm gần đây, các giáo viên THCS cũng đánh giá là "quá an toàn" và "ít đổi mới". Tuy nhiên, thông tin về những đề thi phá cách của nhiều địa phương tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nên nhiều học sinh, phụ huynh vẫn lo lắng.
Một phụ huynh khác có con học Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết: "Con thức suốt đêm để chat với nhóm bạn về "đề thi". Tôi đã cảnh báo con về việc không nên học tủ nhưng tới sát ngày thi có nhiều thông tin rỉ tai nhau khiến con sốt ruột lo lắng".
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bám sát chương trình THCS, chủ yếu lớp 9, nhưng không có hạn chế kiến thức hay định hướng kiến thức trọng tâm như tin đồn thất thiệt.
Vũ An (TH)