Tránh nhờn luật
Mới đây, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thu phí xe vào nội đô từ vành đai 3 trở vào và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Là người dân sinh sống tại thủ đô Hà Nội, anh Trần Văn Cường thẳng thắn: “Theo tôi, tất cả người dân đều sẵn sàng nộp các khoản phí. Nhưng, vấn đề là khoản phí đó được thu cho ai, thu để làm gì, có phục vụ lại lợi ích của người dân hay không? Tất nhiên, đường sá hàng ngày người dân sử dụng, có thể bỏ một chút phí để làm đường sá tốt hơn, sạch đẹp hơn thì tôi nghĩ ai cũng sẽ đồng tình.
Nhưng, hiện nay người dân đang chưa kiểm soát được khoản phí mình phải nộp đó sẽ đi đâu? Vì thế, tôi nghĩ việc này không khả thi. Bản thân tôi cũng sẽ không đồng tình với việc thu phí xe vào nội đô khi không biết lợi ích của mình sẽ được gì, mất gì”.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên ĐBQH, Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc thu phí phương tiện để nâng cao đời sống, môi trường, giao thông ngày một tốt hơn là điều đúng đắn. Tuy nhiên, việc thu phí ra sao, điều kiện các xe bị thu phí, khoanh vùng thu phí từ đâu lại là bài toán cần phải tính toán kỹ.
“Hiện nay, Hà Nội có rất nhiều người từ các tỉnh lẻ lên sinh sống, làm việc và học tập, cùng với đó là các xe ở ngoại thành đi vào nội đô thì sẽ được kiểm soát ra sao?. Việc thu phí phải đảm bảo công bằng đối với các phương tiện chứ không thể thu đại trà được”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Nói về việc thu phí môi trường đối với các phương tiện, PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận: “Việc thu phí môi trường dối với các phương tiện cần phải nghiên cứu kỹ hơn vì muốn thu được phí này, phải cân đo, đong đếm các xe gây ô nhiễm như thế nào để thu, chứ thu đồng loạt sẽ không công bằng. Điều vô lý là các phương tiện đã nộp phí môi trường trong quá trình mua nhiên liệu là xăng, dầu rồi, ai đi nhiều là thể hiện nộp nhiều, đi ít là nộp ít”.
“Cần phải xem xét kỹ vì việc thu này khó khả thi, mà luật đưa ra không khả thi sẽ dẫn tới nhờn luật. Chúng ta ủng hộ mục đích xây dựng xã hội phát triển tích cực, nhưng cần đong đếm để thu. Đề nghị TP.Hà Nội cần có nghiên cứu rất kỹ, có phương án cụ thể hài hoà giữa người dân với Nhà nước thì mới hi vọng hiệu quả”, PGS.TS Bùi Thị An phân tích.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội) cũng khẳng định thu phí không phải là biện pháp điều tiết giao thông: “Vấn đề về phí thuộc thẩm quyền của HĐND. HĐND phải quyết định dựa trên cơ sở của pháp luật và theo quy định của luật Phí và lệ phí. Việc thu phí phải dựa trên những cơ sở nhất định, không phải bất kỳ lúc nào cũng đặt ra các loại phí.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là liên quan, tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ thì phải có sự đánh giá tác động khi ban hành những văn bản đó. Lệ phí phải đặt trên cơ sở phục vụ nhu cầu của xã hội. Phí đặt ra không phải là biện pháp để điều tiết giao thông. Phí là khoản thu mang tính chất bù đắp cho những chi phí thường xuyên hay bất thường. Nếu dùng cho việc điều tiết lượng xe là không đúng”.
“Phí chồng phí”
Trao đổi thêm với PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải, bộ GTVT cho hay: “Tôi nghĩ rằng Hà Nội vẫn chưa thay đổi quan điểm trong vấn đề làm thế nào để giảm bớt ùn tắc? Họ cứ nghĩ rằng thu phí nhiều sẽ giảm bớt ùn tắc nhưng điều này là sai lầm. Tiền đó đi đâu? Ai giám sát? Tôi nghĩ điều này Hà Nội cần xem lại.
Tôi không ủng hộ giải pháp này. Và tôi thấy rằng người dân đang phải chịu “phí chồng phí”. Đời sống của nhân dân khó khăn, hiện giờ cứ đánh vào người dân, cho rằng ùn tắc là do người dân thì tôi cho rằng không đúng.
Ùn tắc có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị của Hà Nội còn hạn chế, chúng ta chỉ lo những hoạt động khác mà quên đi quy hoạch giao thông đô thị. Những năm gần đây mới bắt đầu quy hoạch, nhưng làm quá chậm, công nghệ kém nên không đáp ứng đủ cho người dân.
Việc tăng phí có phải là phục vụ nhân dân không? Tôi cho rằng, việc này đang thiếu cơ sở khoa học lẫn thực tiễn. Khi phương tiện công cộng chưa đảm bảo, chưa hấp dẫn thì người dân không có giải pháp thay thế để đi làm ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân. Họ bỏ tiền ra để mua phương tiện nhưng giờ lại tăng phí. Vậy, nếu thu thêm phí, cấm đoán thì người dân sử dụng phương tiện gì?
Việc thu phí không có tác động giảm ùn tắc giao thông, mà đánh vào đời sống của người lao động. Cách làm này không hợp lòng dân, không khoa học, không thực tế và không nhân văn”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, để đảm bảo công bằng trong việc tham gia giao thông của người dân, cùng với đó tình trạng ùn tắc trong nội đô chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm. Vì vậy, việc thu phí này cũng chỉ nên diễn ra vào giờ cao điểm.
Ông Liên cho rằng, việc thu phí cần có chính sách, quy định phù hợp vào các khung giờ trong ngày để phù hợp với tình hình thực tế tại Hà Nội. Điển hình như ở Singapore, chủ phương tiện chỉ mất phí cao khi vào nội đô vào giờ cao điểm. Hà Nội cùng chú ý xem xét đến việc thu phí theo khung giờ.
Còn đối với việc thu phí môi trường, ông Liên cho biết không phù hợp. Bởi, hiện nay đã thu qua xăng dầu, với xăng người dân đang phải trả ít nhất 3.000 đồng/lít phí môi trường, nếu thu phí này sẽ khiến phí chồng phí. Ngoài ra, không xác định được xe nào thường xuyên vào nội thành, xe nào là xe chỉ hoạt động ở ngoại thành để thu phí môi trường.
Trước đó, Hà Nội phân vùng khu vực thu phí phương tiện hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Thành phố sẽ có biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông trên đường.
Để thực hiện việc này, Hà Nội sẽ thu phí tự động các phương tiện đi vào nội đô. Các phương tiện như ô tô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quan quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.
Cùng với đó, các phương tiện sẽ phải đóng phí môi trường bằng cách khi ôtô đến các trạm đăng kiểm theo định kỳ sẽ đóng khoản phí này như phí sử dụng đường bộ hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua sớm, dự kiến sở GTVT sẽ triển khai các công tác chuẩn bị nhiệm vụ này từ năm 2019.
Thế Anh - Thanh Lam