Mới đây, Tòa soạn PhapluatNet nhận được đơn tố cáo của bà Phạm Thị Thanh Thủy về việc bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo có dấu hiệu lập quỹ trái phép, thu chi, tuyển dụng và sa thải lao động sai quy định.
Trao đổi với PV PhapluatNet, bà Thủy cho biết: “Về việc quản lý dạy thêm, học thêm tại nhà trường trong rất nhiều năm qua nhưng không công khai khoản chi cho ban giám hiệu và chi cho những mục đích khác. Năm học 2017 – 2018, việc học thêm ở vài bộ môn còn được tăng cường bất thường, có môn học quy định học chính khóa là 2 tiết/tuần thì học sinh phải học cả chính khóa và cả học thêm là 7 tiết/tuần".
Trong năm 2017 có nhiều vấn đề bất cập như: Dạy hè với 2 tuần thực học nhưng số tiền chi cho lãnh đạo trên 80 triệu đồng cho 4 giám hiệu. Không những thế, đến cuối năm học 2017, học sinh khối 12 còn phải đóng 200.000đ/1 học sinh (tiền quà cho nhà trường). Liên hoan chia tay ra trường học sinh còn phải đóng thêm 500.000đ, và các số tiền này phụ huynh, học sinh không được biết chi như thế nào?.
Trong nhiều năm liền, việc thu chi tiền từ phụ huynh học sinh có nhiều điều không minh bạch. Với số lượng học sinh toàn trường gần 1.500 học sinh, mỗi em đóng 200.000đ/năm tiền quỹ phụ huynh nhà trường. Sau khi lập các quỹ do phụ huynh học sinh đóng góp, nhà trường không đưa số tiền này vào Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường và cũng không được công khai tại các cuộc họp của Hội đồng giáo dục.
Không những mập mờ trong các khoản thu chi, bà Thủy còn cho biết về việc tuyển dụng và sa thải lao động sai quy định. Trong đó, nhà trường buộc thôi việc 04 nhân viên hợp đồng (năm 2013 – 2014) và 01 nhân viên năm 2017, sử dụng nhân viên văn thư hợp đồng sai quy định (nhà trường đồng thời hợp đồng với 02 nhân viên văn thư); sử dụng tùy tiện tiền từ ngân sách nhà nước; chi trả tiền cho thư ký xếp thời khỏa biểu; chi hỗ trợ cho 04 nhân viên làm việc thay cho Ban giám hiệu; chi cho văn thư hợp đồng thứ 2.
Ngoài ra, việc cải tạo, sửa chữa trong nhà trường năm học 2010 - 2011, nhà trường vẫn thu tiền của phụ huynh học sinh để cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh của trường với số tiền lên tới hơn 260 triệu đồng. Điều đáng nói, toàn bộ tiền cải tạo nhà vệ sinh là do cha mẹ học sinh đóng góp dưới danh nghĩa “tự nguyện”.
Cứ cho là Hội cha mẹ học sinh “đồng thuận” và “tự nguyện” đóng góp các khoản tiền cho nhà trường mua sắm các trang thiết bị và xây dựng, cải tạo lại nhà vệ sinh thì việc làm này cũng không đúng nguyên tắc và đi ngược lại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói đến chuyện nếu không được nhà trường chủ động “ngỏ ý thăm dò” thì làm sao Hội cha mẹ học sinh biết được nhà trường đang thiếu các trang thiết bị đó? Làm sao biết được khu vệ sinh của nhà trường đã xuống cấp và cần được cải tạo lại?.
Để có thông tin khách quan tới bạn đọc, PV đã liên hệ và làm việc với bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, bà Tâm cho biết: “Sở đang trong quá trình giải quyết nên nhà trường đề nghị chờ kết luận của Sở về việc đúng sai và sẽ mời PV đến làm việc”.
Theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT) thì “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường…; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Đào Hà - Hoàng Lâm