Ngày 24/09/2019 PhapluatNet có đăng bài viết: “Hà Nội: CH Hàng Nhật Nội Địa bán hàng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt” phản ánh về việc cơ sở Hàng Nhật Nội Địa có địa chỉ tại số 65 Hàng Bún, phường Quán Thánh, có website là Hangxachtay.com bán hàng không dán tem nhãn phụ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều sản phẩm đang được bày bán và quảng cáo trên Hangxachtay.com của cửa hàng Hàng Nhật Nội Địa đều không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Điều đó khiến người tiêu dùng mơ hồ trong việc xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như cách sử dụng sản phẩm.
Ngày 06/09/2019, đại diện UBND phường Quán Thánh cùng Cán bộ Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Hàng Nhật Nội Địa tại số 65 Hàng Bún.
Đoàn kiểm tra xác định số giá trị hàng hóa thu giữ tại cửa hàng bao gồm: 17 hộp sữa giá 450.000 đồng/hộp, 5 lọ dầu olive extra giá 65.000/lọ, 10 hộp giấy ướt moony giá 50.000 đồng/hộp, 10 hộp nước giặt bold giá 110.000/hộp đã vi phạm về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt).
Tiếp đó, ngày 07/09/2019 UBND phường Quán Thánh ra quyết định xử phạt vi phạm hàng chính với cơ sở này do vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa: Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, với những lỗi trên, cơ sở Hàng Nhật Nôi Địa bị phạt cơ quan chức năng phạt với số tiền là 1.250.000 đồng.
Trao đổi với lãnh đạo phường Quán Thánh, ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch phường cho biết: “Việc quản lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, phường cũng đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh theo đúng quy định”.
Thực trạng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng khi nhập về Việt Nam và đưa ra thị trường không có tem nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn làm gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ ban ngành đã xây dựng hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Cụ thể theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Ngoài ra, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.
Đối chiếu theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.