Từ thông tin phản ánh của bạn đọc đến PhapluatNet về các sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng Hàng Nhật Nội Địa, có địa chỉ tại số 65 Hàng Bún, P. Quán Thánh, Q. Ba Đình và địa chỉ website là Hangxachtay.com bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn phụ, phóng viên đã trực tiếp mục sở thị cửa hàng trên.
Trong vai khách hàng muốn tìm sản phẩm sữa rửa mặt, phóng viên được nhân viên tư vấn sản phẩm giới thiệu sữa rửa mặt AHA Wash Cleansing Nhật Bản được chiết xuất từ trái cây. Theo quan sát của PV, mặt sau sản phẩm được in toàn bộ bằng chữ Nhật Bản, không có tem phụ bằng tiếng Việt khiến khách hàng khó có thể biết được cách sử dụng sao cho chính xác.
Theo giới thiệu thì đây là sản phẩm nổi tiếng thuộc thương hiệu Cleansing Research của BCL Company. Đặc trưng của thương hiệu này là các sản phẩm làm sạch với chiết xuất AHA từ trái cây. Nhiều sản phẩm của Cleansing Research đang được bán chạy tại thị trường nội địa Nhật. Năm 2015, AHA Wash Cleansing nằm trong top 2 sữa rửa mặt được yêu thích nhất do tạp chí uy tín Cosme bầu chọn.
Tìm hiểu của phóng viên, trên website Hangxachtay.com, cửa hàng này đang rao bán hàng trăm sản phẩm như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm Nhật Bản, Mẹ và Bé hàng Nhật, đồ gia dụng nội địa Nhật, đồng hồ Nhật, đồ dùng tiện tích gia đình… Nhưng điều đáng nói, tất cả các sản phẩm đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với UBND phường Quán Thánh, trao đổi với phóng viên, ông Võ Hồng Vinh – Chủ tịch phường cho biết: “Ngày 06/09/2019, đại diện UBND phường Quán Thánh cùng Cán bộ đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Hàng Nhật Nội Địa có địa chỉ ở số 65 Hàng Bún.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang kinh doanh và bán hàng bánh kẹo, sữa, tạp hóa...Cụ thể, kiểm tra thực tế các mặt hàng: 17 hộp sữa giá 450.000 đồng/hộp, 5 lọ dầu olive extra giá 65.000/lọ, 10 hộp giấy ướt moony giá 50.000 đồng/hộp, 10 hộp nước giặt bold giá 110.000/hộp. Tổng giá trị hàng là 9.575.000 đồng.
Theo đó, số hàng hóa trên đã vi phạm về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt).”
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3.000.000 đồng:
b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.