Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hải Dương: Bản án của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có thực sự xác đáng?

Hải Dương: Bản án của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có thực sự xác đáng?
Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Hải Dương xác định hành vi sản xuất sản phẩm “kênh mương bê tông thành mỏng đúc sẵn” của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phượng Hoàng là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Hào kỹ thuật” đang được bảo hộ của Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco).

Bản án có xác đáng?

Như PhapluatNet đã thông tin, phản ánh về vụ việc Công ty Phượng Hoàng bị Busadco làm đơn gửi Thanh tra Sở Khoa học và  Hải Dương và khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương về việc đã cho sản xuất sản phẩm “Kênh, mương đúc sẵn” trên quy mô công nghiệp cho dự án “Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo các hệ thống thủy nông – Tiểu dự án: Đầu tư xây dựng khu tưới mẫu thí điểm Gia Bình” Ban quản lý tiểu dự án ADB5 Bắc Ninh – Sở NN&PTNT Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Đây là việc làm vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ của Busadco được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tại Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (KDCN) số 22743 “Hào kỹ thuật” tại Quyết định số 61694/QĐ-SHTT ngày 30/9/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Busadco đã yêu cầu Công ty Phượng Hoàng phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với hành vi trên.

Ngày 7/3/2019, TAND tỉnh Hải Dương đã mở phiên tòa xét xử vụ việc. Nhưng bác bỏ những căn cứ, tài liệu mà Công ty Phượng Hoàng và báo chí đã thông tin, TAND tỉnh Hải Dương đã ban hành Bản án số: 01/2019/KDTM-ST ngày 07/3/2019 “V/v tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu bồi thường thiệt hại” với phán quyết:

Hải Dương: Bản án của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có thực sự xác đáng?
Nội dung bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương về vụ Busadco khởi kiện Công ty Phượng Hoàng.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Busadco: Xác định hành vi sản xuất sản phẩm “Kênh mương bê tông thành mỏng đúc sẵn” của Công ty Phượng Hoàng là xâm phạm quyền đối với KDCN “Hào kỹ thuật” đang được bảo hộ của Busadco. Buộc Công ty Phượng Hoàng chấm dứt ngay hành vi sản xuất sản phẩm này và bồi thường thiệt hại cho Busadco số tiền 255.000.000 đồng. Trong đó, thiệt hại vật chất 200.000.000 đồng, chi phí 20.000.000 đồng, tổn thất tinh thần 30.000.000 đồng và chi phí giám định 5.000.000 đồng. Ngoài ra Công ty Phượng Hoàng phải chịu 12.750.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và hoàn lại Busadco số tiền tạm ứng án phí 1.500.000 đồng đã nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

Nhận được bản án trên, ông Bùi Danh Biển, Giám đốc Công ty Phượng Hoàng cho biết, Tòa án đã phân xử không xác đáng, lý do: Trong bản án có đề cập việc Busadco cho biết giữa Công ty Phượng Hoàng và Công ty cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (Công ty đê kè Hải Dương) ký kết hợp đồng kinh tế số 10/HĐKT ngày 20/1/2017. Công ty đê kè Hải Dương là nhà thầu thi công dự án Gia Bình thuê Công ty Phượng Hoàng sản xuất kênh mương bê tông thành mỏng đúc sẵn để thực hiện dự án này.

Hải Dương: Bản án của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có thực sự xác đáng?
Sản phẩm “Kênh, mương đúc sẵn” của Công ty Phượng Hoàng thực hiện
theo thiết kế ở dự án tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh.

Việc hai công ty ký hợp đồng sản xuất kênh mương bê tông thành mỏng đúc sẵn để thu lợi đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hai cho Busadco. Nên Busadco khởi kiện yêu cầu Công ty Phượng Hoàng chấm dứt hành vi này và đề nghị Công ty đê kè Hải Dương là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu hai công ty phải liên đới bồi thường, cụ thể: Thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thuê luật sư thực hiện pháp luật 300 triệu đồng; chi phí giám định 5 triệu đồng và bồi thường thiệt hại về vật chất là 500 triệu đồng (Thay đổi so với nội dung khởi kiện ban đầu đòi bồi thường 2.881.000.000 đồng trong đó thiệt hại về vật chất là 2.526.000.000 đồng).

Cấp Bằng độc quyền KDCN thực sự đã đúng?

Không đồng ý với phân xử của bản án trên, cả Công ty Phượng Hoàng và Công ty đê kè Hải Dương đều một mực cho rằng: họ chỉ ký kết với nhau hợp đồng kinh tế mua bán vật tư và nhân công làm kênh mương chứ không phải ký hợp đồng để thuê sản xuất kênh mương bê tông thành mỏng đúc sẵn như Busadco khởi kiện. Theo đó, Công ty Phượng Hoàng phải bán vật tư đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng theo đúng bản vẽ thiết kế mà Công ty đê kè Hải Dương cung cấp (bởi Công ty Phượng Hoàng vẫn có thể mua sản phẩm từ đơn vị khác và bán lại cho Công ty đê kè Hải Dương).

Bên cạnh đó, Công ty đê kè Hải Dương còn cho biết, “Kênh bê tông cốt thép đúc sẵn bằng công nghệ rung quay ép” là do liên danh Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân và Công ty đê kè Hải Dương sản xuất. Sản phẩm đã được Tổng cục Thủy lợi Bộ NN& PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, được đưa vào sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp từ năm 2014.

Sau đó, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Ninh (Công ty Bắc Ninh) và Công ty cổ phần Long Mã (Công ty Long Mã) là nhà thầu Liên danh thiết kế dự án tại Gia Bình – Bắc Ninh đã dựa trên đó để làm. Công ty đê kè Hải Dương trúng thầu dự án trên nên đã ký hợp đồng kinh tế mua bán vật tư và nhân công làm kênh mương với Công ty Phượng Hoàng.

Busadco được cấp bằng sở hữu trí tuệ vào ngày 30/9/2016 (ngày nộp đơn là 12/6/2015) nhưng xét về mặt thời gian, Busadco lại được cấp bằng sau. Bởi trước đó, ngày 27/2/2014, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành quyết định số 150/QĐ-TCTL-KHCN về việc: “Công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới” công nhận “Kênh bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng, bằng công nghệ rung quay ép” do Liên danh Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân và Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương sản xuất là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, do ông Nguyễn Văn Tân là tác giả gồm 2 loại: Kênh có mặt cắt trong nửa hình tròn, mặt cắt ngoài bát giác và kênh có mặt cắt chữ U.

Hải Dương: Bản án của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có thực sự xác đáng?
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp mà Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho
Busadco.

Tại Triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra từ ngày 15 – 17/8/2014 tại Hà Nội, “Sản phẩm Kênh mương bê tông đúc sẵn thành mỏng” của Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân có thiết kế kiểu dáng tương tự cũng đã được trưng bày, được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đánh giá cao về sản phẩm và cấp giấy chứng nhận ngay sau đó.

Liên quan đến dự án tại Gia Bình – Bắc Ninh, Công ty Long Mã và Công ty Bắc Ninh là nhà thầu Liên danh thiết kế dự án. Ngay từ khi triển khai giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, họ đã dựa trên cơ sở dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3733/QĐ-BNN-TCTL ngày 15/9/2015 của Bộ NN&PTNT và tuân thủ theo tiêu chuẩn 6394:2014 – “Mương bê tông thành mỏng đúc sẵn” của Bộ Xây dựng và giao cho chủ đầu tư (Sở NN&PTNT Bắc Ninh) trình các cơ quan chuyên môn kiểm định, phê duyệt. Sau khi thiết kế bản vẽ đã tìm hiểu thị trường của 3 nhà cung cấp gồm: Công ty TNHH Lan Phong, Busadco, Công ty cổ phần xây dựng & dịch vụ thương mại Hưng Thịnh nên đã xin báo giá của 3 nhà cung cấp này để lựa chọn áp giá.

Như vậy rõ ràng thiết kế của Công ty Long Mã là có trước nhưng tại bản án, TAND tỉnh Hải Dương vẫn cho rằng, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi sản xuất mới bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công ty Phượng Hoàng là đơn vị trực tiếp sản xuất sản phẩm nên đã xâm phạm KDCN của Busadco.

Trong khi đó, tại Kết luận thanh tra số 214/KL-SKHCN ngày 24/7/2017 của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương có nêu rõ: Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp số KD 042-17YC/KLGĐ của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ ngày 26/5/2017 cho thấy: phạm vi bảo hộ của Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) “Hào kỹ thuật” của Busadco được xác định bởi 08 hình/ảnh kèm theo, cho phép thể hiện KDCN dưới dạng tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản như sau:

Sản phẩm “Hào kỹ thuật” với kiểu dáng thể hiện tại Bằng độc quyền KDCN số 22743 là sản phẩm bê tông đúc sẵn được lắp ghép từ nhiều đoạn để tạo thành đường lòng máng với chức năng chứa đựng các thiết bị kỹ thuật như được dây điên, đường cáp thông tin…

Đặc điểm tạo dáng dạng tổng thể của KDCN là hình máng hộp hình chữ U phần góc của hai thành với đáy được vuốt cong, chiều dày đáy bằng 1,5 lần chều dày thành, bên ngoài thành máng phía trên loe ngang dạng miệng chậu, tại vị trí giữa có một trụ đứng tiết diện hình thang.

Tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2013 quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Điều 65 quy định: KDCN được coi là có tính mới nếu KDCN đó khác biệt đáng kể với những KDCN đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký KDCN được hưởng quyền ưu tiên.

KDCN không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp như: KDCN được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng khoa học; đã được trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Từ những căn cứ trên, rõ ràng sản phẩm “Kênh bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng, bằng công nghệ rung quay ép” do Liên danh Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân và Công ty đê kè Hải Dương sản xuất đã được Tổng cục Thủy lợi Bộ NN& PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, Triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014 sản phẩm có thiết kế kiểu dáng tương tự cũng đã được trưng bày, được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao về sản phẩm, cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, còn được nhiều công ty khác sản xuất sản phẩm có thiết kế tương tự, đem sử dụng rộng rãi.

Nhưng vì sao sản phẩm “Hào kỹ thuật” của Busadco có thiết kế kiểu dáng tương tự (kiểu dáng chữ U, bê tông đúc sẵn) với sản phẩm “Kênh bê tông cốt thép đúc sẵn bằng công nghệ rung quay ép” của Liên danh Liên danh Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân và Công ty đê kè Hải Dương nhưng vẫn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền KDCN? Phải chăng ở đây đã có uẩn khuất nào đó giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty Busadco?

Đáng nói hơn, Công ty Phượng Hoàng ngoài việc là đơn vị cung cấp vật tư đúng chủng loại, chất lượng theo đúng đề án thiết kế đã được phê duyệt của chủ đầu tư ở dự án Gia Bình, họ còn là thành viên Liên danh với Công ty đê kè Hải Dương, chịu trách nhiệm cung cấp công nhân, máy móc thiết bị, vật tư kho xưởng để thi công sản phẩm do Công ty đê kè Hải Dương nhận thi công. Việc TAND tỉnh Hải Dương ban hành bản ánh xử và bồi thường như vậy thực sự đã đúng người đúng tội và xác đáng? Đây là điều khiến dư luận đang rất quan tâm.

Được biết, cũng liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ của Busadco, ngày 12/3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã từng bị Công ty TNHH Cung cấp xây dựng và Lắp đặt thiết bị điện (Công ty thiết bị điện) do ông Nguyễn Văn Loan làm Giám đốc khởi kiện với lý do: Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Bằng độc quyền “kiểu dáng công nghiệp” đối với sản phẩm “Kênh, mương đúc sẵn thành mỏng” số 22899 ngày 21/10/2016 cho Busadco trái quy định pháp luật.

Hiện Công ty Phượng Hoàng đã làm đơn kháng cáo cũng như có đơn đề nghị Công an tỉnh Hải Dương vào cuộc điều tra, làm rõ những ẩn khuất đang tồn tại trong vụ án liên quan đến xâm phậm KDCN của Busadco.

PhapluatNet tiếp tục thông tin.

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.43125 sec| 704.102 kb