Bị “tố” vi phạm sở hữu công nghiệp
Ông Bùi Danh Biển, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng), thuộc phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương cho biết: Ngày 25/5/2017, Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) làm đơn gửi Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương yêu cầu xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp đối với Công ty Phượng Hoàng, lý do: Công ty đã cho sản xuất sản phẩm “Kênh, mương đúc sẵn” trên quy mô công nghiệp cho dự án “Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo các hệ thống thủy nông – Tiểu dự án: Đầu tư xây dựng khu tưới mẫu thí điểm Gia Bình” Ban quản lý tiểu dự án ADB5 Bắc Ninh – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Đây là việc làm vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ của Busadco được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tại Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 22743 “Hào kỹ thuật” tại Quyết định số 61694/QĐ-SHTT ngày 30/9/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày 12/6/2017, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương ra quyết định thành lập đoàn thanh tra và tiến hành thanh tra đột xuất đối với Công ty Phượng Hoàng. Ngày 24/7/2017, căn cứ tài liệu có trong hồ sơ và kết quả thanh tra, Giám đốc Sở đã có kết luận vụ việc như sau: Tại thời điểm thanh tra, Công ty Phượng Hoàng đã có hành vi sản xuất sản phẩm “Kênh, mương bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn” xâm phạm quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp “Hào kỹ thuật” đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 22743 của Busadco.
Hành vi nêu trên được quy định tại Điều 126 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2006). Tuy nhiên, Busadco đã có công văn đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương không xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phượng Hoàng. Và Sở đã yêu cầu Công ty Phượng Hoàng chấm dứt ngay hành vi sản xuất sản phẩm trên.
Ông Biển cho biết, do công việc rất nhạy cảm và không muốn có “va chạm” với bất kỳ doanh nghiệp nào nên công ty đã chấp hành nghiêm yêu cầu đó của Sở. Nhưng sau đó, phía Busadco lại có đơn kiện công ty ông ra tòa. Ngày 7/3/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã mở phiên tòa xét xử đối với vụ việc trên.
“Căn cứ theo yêu cầu đề nghị của Busadco, Tòa án tuyên án công ty tôi đã vi phạm sản xuất sản phẩm về kiểu dáng tương tự bản quyền của Busadco. Với mức phạt: 250 triệu đồng về Sở hữu trí tuệ, 20 triệu đồng về luật sư, 30 triệu đồng về tính chất vi phạm, 5 triệu đồng về giám định sản xuất, 12,5 triệu đồng về án phí. Nhưng chúng tôi không nhất trí với phán quyết này của Tòa án và sẽ kháng cáo đến cùng. Bởi công ty chỉ là đơn vị cung cấp vật tư theo đúng thiết kế đã được phê duyệt của chủ đầu tư dự án”, ông Biển nhấn mạnh.
Có thực sự vi phạm?
Lý giải việc này, ông Biển cho biết, năm 2014, để đáp ứng nhu cầu hợp tác, sản xuất trong xây dựng, Công ty Phượng Hoàng của ông Biển và Công ty cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương (phường Trần Hưng Đạo, TP. Hải Dương) có ký kết Thỏa thuận liên danh “V/v hợp tác liên danh sản xuất kênh bê tông vỏ mỏng cốt lưới thép đúc sẵn bằng công nghệ rung quay ép”.
Trong đó, Công ty cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương (Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương) là thành viên đứng đầu liên danh, Công ty Phượng Hoàng là thành viên liên danh. Nguyên tắc chung của thỏa thuận: Các thành viên tự nguyện hình thành liên danh để sản xuất sản phẩm “Kênh bê tông vỏ mỏng cốt lưới thép đúc sẵn bằng công nghệ rung quay ép” phục vụ thi công các công trình xây dựng do Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương thi công hoặc các công trình khác do khách thi công. Trách nhiệm của Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương là cung cấp công nghệ, thiết kế kỹ thuật của sản phẩm kênh bê tông cốt thép đúc sẵn và cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo giám sát thi công theo đúng thiết kế. Còn công ty của ông Biển cung cấp công nhân, máy móc thiết bị, vật tư kho xưởng để thi công sản phẩm…
Từ thỏa thuận liên danh trên, ngày 20/1/2017, Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương (Bên A) và công ty ông Biển (Bên B) đã ký kết Hợp đồng kinh tế về việc mua bán vật tư và nhân công làm kênh mương.
Theo đó, Bên B đồng ý bán cho bên A vật tư và nhân công làm kênh mương đúc sẵn cho Tiểu dự án đầu tư Xây dựng khu tưới mẫu thí điểm Gia Bình, huyện Gia Bình. Bên B phải cung cấp vật tư đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng và làm theo đúng đề án thiết kế kênh mương thành mỏng đã được phê duyệt của chủ đầu tư (tức Ban quản lý tiểu dự án ADB5 Bắc Ninh – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh). “Nhà thầu tư vấn thiết kế cho dự án là Liên danh Công ty CP tư vấn XD nông nghiệp & PTNT Bắc Ninh và Công ty cổ phần Long Mã. Đơn vị lập thiết kế bản vẽ thi công là Công ty CP tư vấn XD nông nghiệp & PTNT Bắc Ninh.
Ngày 22/8/2016, Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Ninh cũng đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án này. Là đơn vị cung cấp vật tư, nhân công, chúng tôi chỉ làm theo đúng thiết kế đã được phê duyệt của chủ đầu tư như đã cam kết với bên mua, sai so với thiết kế chúng tôi phải chịu trách nhiệm với họ. Vì vậy, phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đối với công ty chúng tôi là không đúng, không có cơ sở. Chúng tôi sẽ kháng cáo đến cùng vụ việc này”, ông Biển khẳng định.
Cũng liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ của Busadco, ngày 12/3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã bị Công ty TNHH Cung cấp xây dựng và Lắp đặt thiết bị điện (Công ty thiết bị điện) khởi kiện với lý do: Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Bằng độc quyền “kiểu dáng công nghiệp” đối với sản phẩm “Kênh, mương đúc sẵn thành mỏng” số 22899 ngày 21/10/2016 cho Busadco trái quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Loan, Giám đốc Công ty thiết bị điện trên từng cho hay, tên kiểu dáng Kênh, mương đúc sẵn thành mỏng dùng cho sản phẩm bê tông đúc sẵn đã được bộc lộ công khai dưới nhiều dạng văn bản, tài liệu, hình ảnh sản phẩm. Cụ thể: Trong đề tài nghiên cứu khoa học “NCKH 2000 – 2001, ứng dụng kết cấu bê tông thành mỏng và kiên cố hóa kênh mương” tại xã Mỹ Tài, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định là đề tài thuộc Trung tâm ĐH2 – Đại học Thủy lợi đã nghiên cứu thành công. Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định đánh giá cấp Quốc gia và tài trợ chính cho dự án này.
Tại thuyết minh đề tài khoa học đã nêu đầy đủ việc tính toán cơ lực, thủy lực, thiết kế chi tiết kiểu dánh mương hình chữ U và các kiểu dáng cơ bản khác để phù hợp với địa chất vùng miền trên cả nước. Đây cũng là cơ sở khoa học để sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn TCVN 6394-2014.
Sau đó, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã có Quyết định số 150/QĐ-TCTL-KHCN, ngày 27/2/2014 về việc: “Công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới” công nhận “Kênh bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng, bằng công nghệ rung quay ép” do Liên danh Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân và Công ty CPXD đê kè và PTNT Hải Dương sản xuất là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, do ông Nguyễn Văn Tân là tác giả gồm 2 loại: Kênh có mặt cắt trong nửa hình tròn, mặt cắt ngoài bát giác và kênh có mặt cắt chữ U.
Tại Triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra từ ngày 15 – 17/8/2014 tại Hà Nội, “Sản phẩm Kênh mương bê tông đúc sẵn thành mỏng” của Xí nghiệp cơ khí và xây dựng Văn Tân có thiết kế kiểu dáng tương tự cũng đã được trưng bày, đồng thời được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá cao về sản phẩm và cấp giấy chứng nhận sau đó.
Từ những thông tin, căn cứ trên, thực chất Công ty Phượng Hoàng đã vi phạm Sở hữu công nghiệp hay Busadco mới là doanh nghiệp vi phạm? Câu trả lời xin được dành cho Cục Sở hữu trí tuệ cùng các cơ quan có liên quan.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Đào Hà - Hoàng Lâm