Mới đây Đội "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải bằng kinh nghiệm của bản thân, kỹ năng đã phá nhanh 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương.
Theo thông tin của đội hiệp sĩ, chiều ngày 6/10 đội "hiệp sĩ" nhận được cuộc gọi từ anh Hồ Minh Q. (sinh năm 1992, quê TP. Cần Thơ, đang tạm trú tại tỉnh Bình Dương) về việc bị mất chiếc xe máy và nạn nhân đã đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm kiếm. Sau đó, anh Q. nhận được thông tin từ một người lạ nói rằng đã mua chiếc xe này giờ cho chuộc lại với giá 4,5 triệu đồng.
Với nhiều năm kinh nghiệm, anh Hải nhận định có thể đối tượng này đang lừa đảo và đồng thời anh Hải khuyên nạn nhân chưa vội giao tiền như thỏa thuận.
Đến 15h30 cùng ngày, đối tượng hẹn anh Q. gặp ở trước siêu thị AEON Bình Dương (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) để giao tiền chuộc xe. Cùng lúc này, các "hiệp sĩ" liền chia ra các ngã đường để chặn bắt đối tượng.
Sau nhiều lần đối tượng thay đổi địa điểm, nhưng với sự kiên trì theo dõi và truy bám tội phạm, đội "hiệp sĩ" đã tóm gọn đối tượng khi đang nhận tiền của anh Q. tại phường Thuận Giao (TX.Thuận An).
Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên Phan Thanh Nhân (sinh năm 2.000, quê TP.Vũng Tàu, hiện đang sống lang thang ở Bình Dương). Nhân thừa nhận thấy anh Q đăng tin mất xe lên mạng, nên gọi điện thoại để lừa giao tiền rồi bỏ chạy, chứ xe anh Q. ở đâu, đối tượng không biết được.
Đối tượng cũng đã thú nhận trước đó đã lừa lấy 2 triệu đồng của 1 người ở TP.Vũng Tàu với thủ đoạn tương tự như trên.
Hiện, Công an phường Thuận Giao đang tạm giữ đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 6/10, đội "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải đã kịp xử lý và ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo khác.
Theo đó, trưa cùng ngày, phát hiện một người phụ nữ đi xe Sirius màu đỏ đen, biển số 59Y2-10648 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên các "hiệp sĩ" liền bám theo. Lúc này, anh Hải phát hiện ra đối tượng là "người quen". Vì trước đó vài năm, đối tượng đã bị anh Hải bắt về tội lừa đảo bán điện thoại giả và đã bàn giao cho công an xử lý.
Nhận định đối tượng này có thể vẫn “ngựa quen đường cũ” nên các "hiệp sĩ" đã bí mật theo dõi. Sau khi di chuyển qua nhiều tuyến đường, đối tượng tấp vào những trụ ATM nói gì đó với những người đang đi rút tiền rồi lập tức bỏ đi.
Lập tức, anh Hải phân công một "hiệp sĩ" ở lại trụ ATM tìm hiểu đối tượng đã làm gì thì được biết đối tượng đang đi bán điện thoại, riêng các "hiệp sĩ" khác vẫn tiếp tục truy bám theo đối tượng.
Sau một thời gian theo giõi và bám theo, tại đường Nguyễn Văn Tiết (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), khi đối tượng vừa bán xong chiếc điện thoại iPhone cho một người đàn ông lớn tuổi, lập tức là các "hiệp sĩ" áp sát đối tượng và mời người này về công an phường làm việc.
Trên đường về cơ quan công an, đối tượng khai tên là Nguyễn Thị Xuân Tình (sinh năm 1972, ngụ thôn Lam Sơn, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; đang tạm trú tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM). Đối tượng thừa nhận chuyên mua điện thoại dởm, sau đó giả mạo điện thoại cao cấp để lừa bán.
Cùng ngày, đội "hiệp sĩ" đã bàn giao đối tượng và tang vật cho Công an phường Lái Thiêu xử lý.
Tại tỉnh Bình Dương, các đội "hiệp sĩ" được Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương và các ngành chức năng rất quan tâm. Hằng năm, Tỉnh cho các đội “hiệp sĩ” tập huấn 2 lần về võ thuật và nghiệp vụ truy bắt tội phạm, trấn áp tội phạm. Ngoài ra, các “hiệp sĩ” còn được tập huấn về pháp luật để tránh những sai sót đáng tiếc khi đương đầu với tội phạm.
Tỉnh Bình Dương có quy chế rõ ràng đối với hoạt động của các đội “hiệp sĩ” nên dù tay không bắt cướp nhưng các hiệp sĩ vẫn đủ tự tin, chuyên nghiệp, phá nhanh các vụ lừa đảo tích cực trong công tác phòng chống tội phạm ở địa phương.
Đội "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải là một trong các đội hiệp sĩ tại tỉnh tham gia phòng chống tội phạm tại địa phương.
H.a (TH)