Cụ thể, trưa 11/3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, UBND tỉnh và các ngành chức năng hiện vẫn đang tiến hành họp khẩn để đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.
Liên quan sự việc, báo Sài Gòn Giải Phóng trước đó cũng cho biết, ngày 10/3, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, cho biết, đã ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết việc chấm dứt hợp đồng với 500 giáo viên huyện Krông Pắk.
Theo công văn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đề nghị các bộ phận liên quan nhanh chóng có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh.
Với số giáo viên không bố trí được, các cơ quan chức năng cần đảm bảo hỗ trợ đời sống, giải quyết chế độ chính sách, giúp các thầy cô giáo tìm việc làm mới phù hợp; hỗ trợ kinh phí để số giáo viên mất việc đi học nghề để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Đồng thời duy trì công tác dạy và học trong các trường, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Như đã đưa tin trước đó, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức họp giải quyết hơn 600 giáo hợp đồng lao động dư thừa mà địa phương đã tuyển dụng trước đó.
Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết, trước mắt, địa phương đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên. Các giáo viên trên được ký hợp đồng giảng dạy những môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.
Theo vị phó chủ tịch, trong hơn 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng dư, có hơn 500 giáo viên các trường THCS, tiểu học, mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là việc làm bắt buộc, không còn cách nào khác.
P.V (Tổng hợp)