Đáng chú ý trong những kiến nghị của HoREA phải kể đến các vấn đề về Nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp. Theo đó, tại Khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở quy định "Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế".
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: "Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở".
Qua đó, HoREA nhận thấy đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều là người có thu nhập thấp đô thị và chỉ được hưởng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội có một lần trong đời mà thôi. Khi bán lại nhà ở xã hội mà phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung như quy định trên đây thì không hợp tình hợp lý.
Do vậy, HoREA kiến nghị Chính phủ cho phép những người đã mua và sử dụng nhà ở xã hội sau 5 năm, được quyền bán lại nhà, thì không phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất thì có lý có tình hơn.
Đối với vấn đề đặt cọc để thuê nhà ở xã hội, theo quy định tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì "Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 12 tháng, tối thiểu không thấp hơn 3 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà".
Theo hiệp hội, khoản tiền đặt cọc này quá nặng, cao gấp nhiều lần thực tế trong xã hội hiện nay, chỉ đặt cọc tiền thuê nhà thương mại phổ biến từ 1 - 3 tháng. Vì vậy, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 1 đến 3 tháng tiền thuê nhà như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.
Ngoài ra, vấn đề quỹ đất nhà ở xã hội, HoREA cũng kiến nghị cho phép tất cả các doanh nghiệp đều được quyền đề xuất lựa chọn 1 trong 3 phương thức để thực hiện nghĩa vụ: Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; Hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do UBND cấp tỉnh xem xét quyết định. Trong trường hợp nghĩa vụ này được quy đổi thành tiền thì nguồn tiền này chỉ được đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch của địa phương.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ để phát triển nhà ở xã hội mà thôi.
Về sử dụng hiệu quả quỹ đất công nội thành để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, hiệp hội đề nghị bán đấu giá, tạo quỹ đất lớn hơn để phát triển các dự án nhà ở xã hội tại khu vực ngoại thành, và để đảm bảo sự công bằng đối với các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bởi lẽ, giá bán nhà ở xã hội thuê mua tại nội thành và ngoại thành là ngang nhau (do được miễn tiền sử dụng đất), nhưng khi được quyền chuyển nhượng lại thì mức chênh lệch giá nhà tại nội thành lại cao hơn rất nhiều, dẫn đến không công bằng.