Thời gian vừa qua, PhapluatNet nhận được thông tin phản ánh về hoạt động xây dựng dự án Khách sạn Tân Quang Phát do CTCP Tân Quang Phát làm chủ đầu tư nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng. Dự án đã được tiến hành xây dựng trong một thời gian dài, máy móc hoạt động rầm rộ gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh nhưng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm.
Được biết, Khu tổ hợp Khách sạn Tân Quang Phát do Công ty Cổ phần Tân Quang Phát làm chủ đầu tư được xây dựng tại xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Theo tìm hiểu của PV, hiện tại khu đất triển khai thi công khách sạn vẫn đang được chủ đầu tư tiến hành xây dựng bình thường. Hàng ngày, máy móc và công nhân vẫn đang thi công tại ba tòa nhà chính của dự án, các công trình phụ trợ cũng sắp hoàn thành, xe tải chở vật liệu xây dựng phục vụ dự án vẫn ra vào tấp nập.
Ông Nguyễn Văn H., người dân sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ chia sẻ: "Trong thời gian hơn một năm trở lại đây, dự án khách sạn này đã tiến hành thi công bình thường. Chúng tôi thấy họ xây ba khu tổ hợp lớn nhiều tầng. Hoạt động chuyên chở vật liệu tại dự án diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng lớn tới môi trường và cuộc sống của người dân chúng tôi".
PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Thuận – Quyền Chủ tịch UBND xã Tân Lập, tại buổi làm việc, ông Thuận cho biết: “Dự án Khách sạn Tân Quang Phát do Công ty Cổ phần Tân Quang Phát làm chủ đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Về việc chủ đầu tư đã tiến hành thi công dự án trong thời gian dài khi chưa được cấp phép xây dựng thì phía UBND xã chúng tôi cũng không nắm rõ’’.
Đề cập đến vấn đề dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng mà vẫn đang được phía Công ty Cổ phần Tân Quang Phát tiến hành thi công, xây dựng trong một thời gian dài mà không có sự kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương, ông Thuận cho biết sẽ cho người ra kiểm tra và yêu cầu tạm dừng.
Việc Công ty Cổ phần Tân Quang Phát tiến hành thi công dự án khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định đã vi phạm Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các quy định khác. Tuy nhiên, vẫn chưa được các cơ quan chính quyền địa phương xử lý triệt để đã làm dấy lên lo ngại trong dư luận về việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Việc xây dựng không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP như sau:
“6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”
Mặt khác, căn cứ Điều 12 Nghị Định 180/2007 NĐ-CP quy định về xử lý công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng:
“1. Những công trình xây dựng theo quy định phải có Giấy phép xây dựng, khi xây dựng không có Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải bị xử lý như sau:
a) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;
c) Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
2. Đối với những công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng theo quy định thì xử lý như sau:
a) Những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm: công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng, đồng thời áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ;
c) Sau khi được cấp Giấy phép xây dựng, nếu công trình đã xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung Giấy phép xây dựng. Sau khi tự phá dỡ công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công xây dựng.
Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp thì phải bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Điều 24 Nghị định này và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ;
d) Trường hợp chủ đầu tư bị từ chối cấp Giấy phép xây dựng hoặc không có Giấy phép xây dựng sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.”
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.