Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Hương Tràm chia sẻ hình ảnh đôi bàn tay trầy trụa, da tay bong tróc cùng dòng trạng thái: "Làm sao ngưng việc này lại hả Tràm" thu hút sự chú ý của dân mạng.
Theo chia sẻ của đại diện nữ ca sĩ, thời gian gần đây cô liên tục rơi vào trạng thái stress, căng thẳng đến mất ngủ. Mỗi lần như vậy, Hương Tràm đều tự mình bóc tay đến mức có lúc rỉ máu. Ekip của cô đã cảnh báo nhưng tình trạng này liên tục lặp lại.
GS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần bệnh viện Quân y 103, chia sẻ với Zing.vn đây là một trong những biểu hiện của Hội chứng tự ngược đãi bản thân.
GS. Đức đã từng gặp trường hợp bệnh nhân tự dùng tay cào rát mặt của chính mình nguyên nhân là việc chịu áp lực quá lớn từ cuộc sống, không thể giải quyết.
Chia sẻ với báo Giao thông, BS. Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, dấu hiệu nhận biết sớm Hội chứng, bệnh nhân thường tự gây đau, làm tổn thương cơ thể. Về tâm lý bệnh nhân có những căng thẳng thần kinh kéo dài, cảm giác bất mãn, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận… Do vậy bất kỳ ai nếu có những dấu hiệu trên nên tìm đến khám chuyên khoa sớm để được can thiệp kịp thời.
TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các vấn đề stress, viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cũng cho hay từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân tự hủy hoại, làm đau cơ thể. Khi đó, họ không có cảm giác đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.
Theo TS. Tâm, trong bối cảnh áp lực cuộc sống như hiện nay, tự ngược đãi bản thân là vấn đề rất đáng quan ngại. Đó là hình thức tự làm đau về thể chất hoặc tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại.
Theo các chuyên gia, tự ngược đãi bản thân có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ 2-3 tuổi, hay người già trên 70 tuổi. Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là căng thẳng trong các vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và được đáp ứng của cá nhân.
“Khi gặp vấn đề căng thẳng thay vì chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết hoặc làm vậy để gây sự chú ý của người khác”, TS. Tâm lưu ý.
Khi mắc phải Hội chứng tự ngược đãi bản thân ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể tự thoát ra được bằng cách thay đổi suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện căng thẳng thần kinh, bệnh nhân cần phải điều trị thuốc.
Phong Linh (tổng hợp)