1. Chồng lên chức, Mai chuyển cơ quan, vì theo luật, vợ chồng không thể cùng lúc đảm nhiệm các chức danh quan trọng trong cùng một đơn vị. Đó là một quyết định khó khăn khiến chị gầy đi thấy rõ.
Hơn 20 năm đi làm, đồng nghiệp thân thiết, công việc quen thuộc, mọi thứ đã vào guồng, nay chuyển công tác mới, môi trường mới đầy thách thức, tất nhiên không thể nói là vui, là thoải mái được.
Có người bảo chị 45 tuổi rồi, về nhà nội trợ cũng được rồi, bon chen làm gì cho vất vả, nhưng chị Mai nhất quyết không lùi về sớm. Chị nói, chừng nào tới tuổi thì nghỉ hưu, ra sức mà bầu bạn với bếp núc, giờ còn sức là còn cống hiến. Chỉ là, đôi lúc chị lăn tăn: “Hay hồi đừng lấy chồng cơ quan”.
Những ngày đầu chưa quen với sự vắng mặt của Mai, cả phòng buồn hiu. Đồng nghiệp phòng bên cũng than thở buồn nhớ chị. Buồn nhất là khi chị tự rút mình ra khỏi nhóm mạng xã hội, chị cho rằng đây là nhóm làm việc, chớ không phải nhóm… ăn chơi.
Chuyển nơi làm mới, Mai không còn làm “sếp”, chỉ là một nhân viên bình thường. Ai cũng thấy được sự hy sinh của chị, nhưng có lẽ người rõ nhất là anh. Thỉnh thoảng anh nói vui: “Ở cơ quan anh quản lý hàng trăm nhân viên, về nhà bị vợ quản lý, vậy chẳng phải là vợ cũng đang quản lý hàng trăm nhân viên đó sao”.
Anh chăm chút chị hơn so với trước, anh không muốn chị nghĩ rằng sự hy sinh của chị là phung phí. Chị thì nghĩ đơn giản, đó là sự ra đi hợp lý. Không chọn ở nhà nội trợ hay làm hậu phương, mà là chị lùi ra, tạo cơ hội cho chồng.
Chấp nhận làm việc ở môi trường mới, một thử thách ở tuổi đã khá muộn, nhưng chị tìm ra sự thú vị. Chị vẫn tin, bằng năng lực vốn có, và sự ủng hộ của thời gian, chị sẽ phát huy được thế mạnh bản thân.
2. Ngoài 30, khó khăn lắm Linh mới có con, mà trời thương ban con đôi. Lúc mới ra đời, các con Linh cân nặng cũng chưa được 1.500 gram mỗi bé, sức khỏe yếu, cần được chăm sóc đặc biệt, dài lâu.
Lúc này, Linh chỉ nghĩ về con nên tạm khép lại công việc đang “ngon trớn”. Trước đó, vợ chồng Linh có thu nhập ngang nhau, nhưng dù chồng có thu nhập thấp hơn, thì Linh vẫn chọn ở nhà chăm con, để anh tiếp tục đi làm.
Linh nghĩ đơn giản đàn bà chăm con giỏi hơn đàn ông. Cô có bầu sữa mẹ, có đôi tay dịu mềm, có sự chịu khó, nhẫn nại, những điều ấy rất cần với một đứa trẻ. Hy sinh một điều đang tốt đẹp, cho một điều tốt đẹp hơn, là hoàn toàn có lý và chính đáng, có gì phải băn khoăn?
Nội ngoại già yếu, lại ở xa, Linh chỉ đủ sức thuê một người giúp việc nhà, còn hai nhóc tì, tự tay cô chăm sóc. Từ ngày vợ sinh con, chồng Linh cũng siêng hơn. Đi làm về, trên xe lúc nào cũng tòng teng khi thì tã giấy, khi thì sữa, khi thức ăn mua vội ở siêu thị, như những ông chồng bỉm sữa chính hiệu.
Kết quả là hai con Linh tăng cân đều đặn mỗi tháng, sức khỏe ngày càng cải thiện, hạn chế đến bệnh viện.
Nhiều phụ nữ quan niệm đừng dại mà hy sinh cho chồng, vì có khi sau hy sinh là bị phản bội, bị quay lưng… Nói thế thì đâu phải vợ chồng. Vợ chồng nhường nhau, vì nhau, hy sinh cho nhau những lúc cần, người hy sinh có khi còn sung sướng, hạnh phúc hơn người được nhận sự hy sinh.
Tất nhiên là không nên để bản thân thiệt thòi dài lâu vì sự hy sinh ấy. Con cái rồi cũng lớn khôn, Linh sẽ đi làm trở lại. Như chị Mai, dù “vứt” ở đâu, chị cũng sẽ là một người giỏi. Sự hy sinh của chị Mai, của Linh là những hy sinh đáng giá và khôn ngoan.
Theo báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh