Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết:
- Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, căn cứ vào đó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền quyết định kế hoạch thời gian năm học sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung toàn quốc.
Có thể tựu trường tháng 10
* Nhưng trong bối cảnh hầu hết các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có địa phương bị ảnh hưởng nặng và nguy cơ lây nhiễm cao như TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam, trường học hiện được trưng dụng làm bệnh viện, khu cách ly, việc quyết định thời gian tựu trường dù có cộng/trừ 15 ngày cũng khó khả thi. Bộ GD-ĐT có tính toán đến thực tế này khi xây dựng khung năm học mới không?
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố khi quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể của địa phương mình sẽ phải tính đến đặc thù của địa phương, các yếu tố tác động khách quan có thể dự báo trước như thiên tai (xảy ra hằng năm ở nhiều tỉnh miền Trung), khí hậu khắc nghiệt, đặc điểm phong tục tập quán có những ngày lễ, tết (ở nhiều tỉnh miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số) hay các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong quy định khung, bộ chỉ đặt ra các nguyên tắc. Cụ thể, kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo số tuần thực học của chương trình hiện hành; phải phù hợp với quy định chung trên toàn quốc về ngày nghỉ tết, lễ theo Luật lao động và các hướng dẫn hằng năm; đảm bảo quy định về ngày phép của giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục...
Với trường hợp Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, ngay bây giờ chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung. Ví dụ vào 10-9 hay 15-9, thậm chí là sang tháng 10. Cùng với đó, năm học có thể kết thúc chậm hơn 15 ngày so với khung (vào ngày 15-6).
* Như vậy, quỹ thời gian năm học của một số địa phương đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh vẫn eo hẹp và khó khả thi. Chưa kể nếu đầu tháng 10 dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được thì liệu bộ có hướng giúp địa phương khắc phục thế nào? Có ý kiến cho rằng nên chuyển dịch năm học muộn lại trên toàn quốc.
- Trước hết, tôi mong muốn ngành Giáo dục và đào tạo mỗi địa phương cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục một cách khoa học, phù hợp thực tiễn. Về việc này Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có hành lang pháp lý, trong đó cao nhất là quy định trong luật.
Khi các nhà trường có thể bắt đầu năm học mới, các sở Giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo để mỗi nhà trường xây dựng kế hoạch sao cho có thể bố trí dạy học tiết kiệm tối đa thời gian, cơ sở vật chất, tận dụng các không gian dạy học khác nhau (trong, ngoài lớp), các hình thức dạy học khác nhau (trực tuyến, trực tiếp), các phương pháp tổ chức dạy học khác nhau (tích hợp liên môn, dạy học theo chuyên đề) để hoàn thành yêu cầu của chương trình trong thời gian eo hẹp hơn.
Dĩ nhiên, trong các tình huống, luôn phải đặt sự an toàn của học sinh, cán bộ, giáo viên lên trên hết.
Còn khi đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn không thể kết thúc năm học ở mốc muộn nhất là 15-6 thì các sở báo cáo về bộ. Bộ sẽ có hướng dẫn và phối hợp với địa phương để điều chỉnh các mốc thời gian cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện chương trình và quyền lợi của người học.
Khai giảng online, học trực tuyến
* Hiện nay nhiều địa phương đang tính đến việc bước vào năm học mới bằng việc tổ chức lễ khai giảng online, dạy học trực tuyến 100% để không phải lùi quá trễ năm học. Nhưng việc này sẽ có những khó khăn bất cập đối với học sinh đầu cấp, nhất là lớp 1. Ông có thể chia sẻ thêm quan điểm về việc này?
- Dĩ nhiên học sinh đến trường vẫn tốt hơn là học tập trực tuyến 100%. Nhưng khi điều kiện không thể đến trường mà không dừng việc dạy học được thì vẫn phải khắc phục. Dạy học trực tuyến cũng có những ưu điểm riêng, trong đó đáng nói là sự đầu tư, ý thức ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà trường, của thầy trò thay đổi tích cực.
Về khai giảng online, tôi thấy hoàn toàn khả thi trong điều kiện học sinh không thể đến trường. Năm học trước nhiều trường đã áp dụng bế giảng năm học, các hoạt động khác bằng hình thức trực tuyến rồi. Nhưng đúng là học sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 1, sẽ có những khó khăn hơn.
Về việc này, các nhà trường khi xây dựng kế hoạch cần lưu ý hơn. Nếu học sinh được trở lại trường trong điều kiện giãn cách thì nên ưu tiên học sinh đầu cấp. Ngoài ra có thể áp dụng các sáng kiến để tăng tương tác với học sinh mới, hỗ trợ các em làm quen với môi trường học tập, phương pháp học tập.
Theo tuoitre.vn