Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khi người phụ nữ trở nên ‘yếu thế’ trong các vụ ly hôn nghìn tỷ

Khi người phụ nữ trở nên ‘yếu thế’ trong các vụ ly hôn nghìn tỷ
Gần đây, thế giới chứng kiến nhiều vụ ly hôn đình đám của các tỷ phú USD, kết quả mỗi phiên tòa luôn khiến dư luận đặc biệt quan tâm về lý do chia tay, số tài sản và việc phân chia tài sản sau ly hôn. Câu hỏi đặt ra rằng người phụ nữ có thật sự được phân chia tài sản công bằng như pháp luật đã quy định?

Tỷ phú Bill Gates và vợ Melinda Gates đã chính thức ly hôn hay Jeff Bezos và MacKenzie quyết định ly dị sau 25 năm chung sống là một trong những câu chuyện ly hôn "đình đám" của các tỷ phú ở bên kia trái đất. Tại Việt Nam, một vụ ly hôn cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận khi tổng tài sản chung trị giá hàng nghìn tỷ đồng được chia theo tỉ lệ 60-40 đã vi phạm nguyên tắc chia đôi tài sản chung được Luật Hôn nhân gia đình quy định. Đó chính là câu chuyện chia ly gắn liền với thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Khi người phụ nữ trở nên ‘yếu thế’ trong các vụ ly hôn nghìn tỷ
Quyền của người phụ nữ bị thách thức.

Kết thúc ly hôn, tài sản của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên là bất động sản được chia theo tỉ lệ 50-50. Tuy nhiên, tài sản là cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vàng, ngoại tệ, tiền... được tòa tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 60% và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia 40% tổng giá trị tài sản chung. 

Tổng số tài sản bà Thảo được chia là 3.245 tỷ đồng và ông Vũ được chia 4.687 tỷ đồng.

Ở góc độ pháp lý, các chuyên gia cho rằng người phụ nữ không nhận được quyền phân chia tài sản công bằng theo luật định. Cụ thể, tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/03/2021, Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng: “Qua các giai đoạn phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty. Trong tất cả các giấy phép kinh doanh của các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên thì số cổ phần ông Vũ đứng tên chiếm phần lớn” (mục [4.3.1] trang 39 Quyết định giám đốc thẩm) để từ đó cho rằng ông Vũ có công sức nhiều hơn là không khách quan, trái với các quy định của pháp luật, bởi theo quy định của pháp luật dân sự và và gia đình, cho dù tỷ lệ này có được ghi nhận như thế nào thì các cổ phần, phần vốn góp này vẫn là tài sản chung của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên. 

Bởi Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Khoản 2 Điều 213 Bộ Luật Dân sự quy định: “Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.”

Mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà với tất cả các cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông và cùng quản lý điều hành các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, việc làm của hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên” (mục [4.3.3] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm). Đây là nhận định chủ quan, không có cơ sở bởi vì trước đó bà Thảo đã bị nhóm thao túng trong Tập đoàn Trung Nguyên lợi dụng sự không bình thường của ông Vũ tiến hành bãi nhiệm hàng loạt các vị trí quản lý điều hành của tôi tại tất cả các Công ty và đẩy bà Thảo ra khỏi Công ty, không cho bà Thảo bước chân vào Tập đoàn Trung Nguyên.

Do vậy, buộc lòng bà Thảo phải khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, điều này là phù hợp với các quy định của pháp luật. Đáng lẽ ra, Hội đồng giám đốc thẩm và Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải nhìn nhận việc kiện tụng của các bên là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Tòa án là nơi đem lại công lý, xét xử theo pháp luật và lẽ công bằng. Với nhận định như trên, Hội đồng giám đốc thẩm và Tòa án hai cấp đã xâm phạm đến quyền pháp định của đương sự trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng dân sự đó là đương sự có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015).

Với những nhận định mang tính chủ quan, duy ý chí trên, việc các cấp Toà đã không xem xét chứng cứ có trong hồ sơ để đánh giá công sức đóng góp, tạo lập của bà Thảo trong việc hình thành và phát triển khối tài sản chung, việc cả hai cấp Tòa quyết định chia cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ nhiều hơn với tỷ lệ là 60 - 40 là không phù hợp với các chứng cứ, tình tiết đã được chứng minh, làm rõ, không thể hiện tính công bằng và các nguyên tắc khi phân chia tài sản chung vợ chồng.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là việc giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, buộc bà Thảo phải nhận giá trị là không phù hợp với quy định. Theo khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình, tài sản chung vợ chồng được chia bằng hiện vật, trường hợp không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Điều 64 Luật Hôn nhân gia đình cũng quy định vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng. Cổ phần và phần vốn góp trong công ty là tài sản có thể chia được bằng hiện vật theo quy định. Cả bà Thảo và ông Vũ đều có quyền ngang nhau về yêu cầu được nhận tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 64 trên.

Việc Quyết định giám đốc thẩm nhận định rằng: “Trong vụ án cụ thể này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên được ổn định. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Thảo là có căn cứ, phù hợp ...” (mục [4.3.4] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm), theo các chuyên gia pháp lý đây là nhận định mang tính suy diễn, không phù hợp với quy định cũng như vượt quá phạm vi của tranh chấp.

Về nguyên tắc, Công ty cổ phần là nơi các cổ đông góp cổ phần dưới dạng tài sản vào để thành lập doanh nghiệp kinh doanh, mọi quyền hạn và nghĩa vụ của cổ đông tương đương với số vốn mà họ góp vào. Việc các cổ đông mâu thuẫn với nhau được giải quyết trong phạm vi của công ty theo Điều lệ và quy định của pháp luật liên quan, các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đều có tư cách pháp nhân, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động điều hành theo Điều lệ, mọi vấn đề quan trọng của công ty đều do Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty quyết định. Bất kể một công ty nào hoạt động mà tạo ra công ăn việc làm cho người dân là đã phụng sự . Tòa án không thể cho rằng việc một doanh nghiệp được điều hành bởi người này hoặc người kia là giúp phụng sự nhiều hơn cho xã hội, tạo thêm thu nhập. Tòa án không thể suy đoán dựa trên ý kiến trình bày của một bên để ra phán quyết và cho rằng sự có mặt của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên sẽ làm cho Tập đoàn phát triển không ổn định.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo: “Việc Hội đồng giám đốc thẩm lập luận như vậy là không khách quan và không có cơ sở, bởi các Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên hình thành và phát triển không chỉ có công của ông Vũ mà còn có sự đồng hành của cá nhân tôi và gia đình. Sự tồn tại và phát triển của Trung Nguyên không chỉ là mong ước cá nhân ông Vũ mà còn có cả tôi, các con và gia đình hai bên. Do đó, tôi phải có bổn phận và trách nhiệm để duy trì và phát triển”.

Mặc dù, trước đó trong suốt quá trình giải quyết và tại các cấp Tòa, bà Thảo cương quyết yêu cầu được giữ nguyên số cổ phần của bà Thảo (là cổ đông sáng lập) trong các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, thế nhưng Tòa án đã quyết định buộc bà Thảo giao hết cho ông Vũ số cổ phần mà tôi sở hữu trong các Công ty thuộc Trung Nguyên và ông Vũ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền giá trị tương ứng đối với số cổ phần này, điều nay quá bất công và trái với các quy định của pháp luật.

Cũng theo bà Thảo, giá trị tài sản thực của Trung Nguyên có trị giá hơn 23.000 tỷ đồng và riêng giá trị thương hiệu được định giá tương đương gần 1.000 tỷ đồng thế nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã không tiến hành định giá giá trị tài sản vô hình, giá trị thương hiệu, chỉ tiến hành thẩm định giá trị của Tập đoàn Trung Nguyên chỉ có 5.655 tỷ đồng, bằng 1/5 so với giá trị thực tế và từ đó làm cơ sở cho việc quy đổi phần sở hữu của bà Thảo thành tiền là gây tổn thất vô cùng lớn cho bà Thảo.

Pháp luật hiện hành phân định rõ việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân phải theo nguyên tắc chia đôi. Nếu xem xét ở khía cạnh bảo vệ quyền lợi phụ nữ thì cần phải xem xét về công sức đóng góp trong việc bà Thảo vừa tham gia kinh doanh với chồng vừa chăm lo con cái, nhà cửa, khối lượng công việc nhiều hơn. Ông Vũ và bà Thảo đều là người đứng tên cổ phần và trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh của Công ty nên đều có quyền ngang nhau trong việc nhận chia tài sản bằng hiện vật theo quy định.

Dưới góc độ nhìn nhận của xã hội, bà Thảo là một người vợ, người mẹ nhưng cũng là một doanh nhân, tham gia điều hành doanh nghiệp nhiều năm, chưa kể còn là người trực tiếp đưa ra sáng kiến kinh doanh và phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7 – một trong những sản phẩm chủ lực và tạo được tên tuổi cho Trung Nguyên ở thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Trung Nguyên hiện có đến 8 Công ty trực thuộc và mỗi Công ty phát triển sản phẩm riêng nên việc phân chia tài sản chung bằng hiện vật cho mỗi người là hoàn toàn có thể thực hiện được và cũng phù hợp với công sức đóng góp của mỗi bên.

Có quá nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ dù vụ ly hôn đã khép lại, bởi sự tiếc nuối cho cái kết "chia ly" của cặp vợ chồng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam và đích đến của "sự công bằng" cho người phụ nữ trong các vụ ly hôn nghìn tỷ.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.43548 sec| 670.406 kb