Tình yêu luôn cần sự bao dung và thấu hiểu, nhưng đã có ai nói với bạn rằng bao dung quá nhiều đồng nghĩa với sự ngốc nghếch, khờ dại chưa?
Đâu đó giữa thời đại này, thi thoảng chúng ta vẫn được nghe một lời khuyên đại ý rằng: "Chúng ta không thể tìm một người hoàn hảo để yêu. Chúng ta chỉ có thể yêu một người theo cách hoàn hảo nhất mà thôi."
Cái sự hoàn hảo nhất ấy nghĩa là biết bao dung, biết tha thứ, biết chấp nhận người kia như con người họ vốn có. Thoạt nghe, điều ấy hẳn nhiên là tích cực, là đúng. Nhưng khi lòng bao dung đi quá giới hạn cho phép, tình yêu sẽ biến thành địa ngục - nơi một người nuôi dưỡng khoái cảm hành hạ và một người chỉ biết tiếp nhận nỗi đau và ngấu nghiến nó để sống qua ngày.
3 năm trước, lần thứ 2 trong đời, An ngồi khóc trên taxi khi cầm trong tay tờ giấy chẩn đoán sảy thai, kèm cảnh báo nguy cơ vô sinh cao vì tử cung quá yếu sau 2 lần mất con. 28 tuổi, cũng như nhiều người phụ nữ khác, An rạo rực khát khao mỗi khi nghĩ về thiên chức làm mẹ.
Nhưng đáp lại niềm mong chờ ấy, cả 2 lần đứa trẻ đều rời bỏ An vì một lý do mà cô chưa bao giờ dám thành thật thừa nhận: Bạn trai cô là một kẻ thích dùng vũ lực trên giường. Và chính bởi thế, An mất con vào lúc còn chưa nhận ra sự hiện diện của sinh linh bé bỏng ấy trong mình.
Có rất nhiều cách để một người giải tỏa những áp lực đến từ công việc: Hút thuốc, nhậu nhẹt, thậm chí là… quẹt Tinder tìm tình một đêm,... Bạn trai An hoàn toàn miễn nhiễm với những thói hư ấy. Giữa thời đại mà đàn ông thay người yêu như thay áo, lang chạ linh tinh ở ngoài, tìm được một người nhất quyết chỉ yêu thương mình, thèm khát những giây phút hoan lạc, nóng bỏng bên mình, chẳng phải là một điều đáng trân trọng hay sao?
Chính vì suy nghĩ ấy mà An bất chấp chịu đựng mọi sự bạo hành mỗi đêm, chỉ bởi cô tin rằng sự kiên nhẫn, lòng bao dung của mình có thể khiến anh thay đổi. Cho tới khi mất con lần thứ 2, An mới sực tỉnh nhận ra mình đã quá ngu ngốc và hiểu rằng có những điều không thể sửa chữa hay thay đổi, mà chỉ có thể bỏ đi.
Chứng "nghiện nỗi đau" - Hậu quả từ việc cam chịu mối quan hệ độc hại
An mất 2 năm để tạm phục hồi sau cơn sang chấn tâm lý vì mối quan hệ với người bạn trai bạo hành. Tôi bắt đầu thấy cô ấy sống cho chính mình qua những lớp học yoga và thiền chữa lành. An thừa nhận cô đã bước vào tình yêu với 100% bản năng, và 0% kiến thức, sau chuỗi ngày gặp chuyên gia tâm lý để băng bó nỗi đau của mình.
Giống như An, tôi tin có nhiều người vẫn luôn mặc đình tình yêu là chuyện của cảm xúc và cảm xúc thì nên "thuận tự nhiên". Nhưng kỳ thực, để có một tình yêu lành mạnh, ngoài cảm xúc, chúng ta còn cần có kiến thức về cách trái tim và bộ não vận hành để không rơi vào tình trạng "nghiện nỗi đau" thay vì tận hưởng niềm hạnh phúc.
Trong cuốn sách "Freedom from Toxic relationship" (Tạm dịch: Tìm lại tự do từ mối quan hệ độc hại"), Avril Carruthers - tác giả đồng thời là chuyên gia tâm lý học đã đưa ra một khảo sát được thực hiện với 20 cặp đôi bất kỳ tại 2 tiểu bang Mississippi và Alaska của Mỹ.
Sau 2 tháng tiếp xúc và nghiên cứu hành vi của 20 cặp đôi này, kết quả mà Avril Carruthers nhận được vô cùng bất ngờ: 12/20 người phụ nữ khẳng định họ cảm thấy hài lòng với đời sống hôn nhân/tình cảm của mình, bất chấp việc "thi thoảng" bị chồng/người tình đánh đập hoăc mạt sát bằng những từ ngữ tục tĩu.
Trung bình khoảng thời gian mà các cặp đôi này chung sống là 2 năm. 5 trong số 8 người phụ nữ còn lại lựa chọn ly hôn/chia tay vì cảm giác không phù hợp với chồng/bạn tình. Và chỉ có 3/20 cặp đôi là có đời sống tình cảm lành mạnh, theo cảm nhận của chính họ và dưới góc nhìn chuyên gia của Avril Carruthers.
Bạn có nhận ra bài học gì từ khảo sát của Avril Carruthers không?
Tình yêu thực sự là một thói quen đấy! Một người quen bị trì chiết, đánh đập hoặc thờ ơ, lâu ngày não bộ của họ sẽ mặc định tất cả những trạng thái đau khổ đó là "hạnh phúc". Ngược lại, với một người luôn được đối xử bằng sự dịu dàng và giao tiếp bằng ngôn từ của sự yêu thương, não bộ của họ sẽ nhận diện đó mới là "hạnh phúc" và phát tín hiệu từ chối tiếp nhận các phản ứng ngược lại.
Bởi thế, hãy có một ngưỡng kỳ vọng và tiêu chuẩn cao hơn cho cảm xúc của chính mình:
Để không tạo ra một thế hệ con trẻ bị "khuyết tật cảm xúc", phụ nữ hãy sống vì chính mình.
Sau câu chuyện của An và những tìm hiểu căn bản nhất về tâm lý học, tôi nhận ra rằng có quá nhiều người ở thế hệ trước đã khóa đời mình trong một cuộc hôn nhân độc hại, để rồi từ đó, những thế hệ sau họ có một cái nhìn sai lệch về hạnh phúc và sự tự do cá nhân.
An chấp nhận 2 năm có lẻ chung sống cùng người bạn trai nghiện bạo lực tình dục bởi mẹ cô ấy cũng là một người phụ nữ luôn "cam chịu" những trận đòn roi từ chồng. Không giống bạn trai của An, bố An là một người đàn ông đứng đắn lịch thiệp trong mắt xã hội, nhưng lại là một kẻ vũ phu khi bước về nhà.
Mọi bất đồng trong cuộc sống của hai người luôn được giải quyết bằng những cái tát và sự quỳ gối van xin của mẹ An. Chứng kiến những việc đó từ khi còn là đứa học sinh cấp 1, An luôn mặc định tin rằng người yêu chỉ "mạnh tay, mạnh chân" lúc ở trên giường đã là một diễm phúc với cô rồi.
Bởi mẹ cô còn phải chịu những trận đòn kinh khủng hơn thế, hàng ngày, hàng giờ.
Vậy đấy, thế hệ bố mẹ hoặc ông bà chúng ta có thể sai lầm, có thể mù quáng do thiếu kiến thức và cơ hội tìm hiểu nên mới cam chịu một đời sống không lành mạnh. Nhưng những người như trẻ tôi, như bạn, hoặc như An, những người đang sống giữa thời đại mà chỉ cần 1 cú click chuột, chúng ta đã có thể tìm tòi và học hỏi mọi thứ, thì không có lý do gì để bao biện cho sự thiếu hiểu biết của mình.
Hãy dũng cảm từ bỏ một mối quan hệ hoặc một cuộc hôn nhân không lành mạnh, không đem lại cho bạn hạnh phúc. Bởi nếu cứ tiếp tục do dự, không chỉ bản thân bạn gặp bất hạnh, mà những đứa trẻ là con của bạn nữa, chúng cũng sẽ có một cái nhìn sai lệch về hạnh phúc từ chính sự cam chịu và do dự của mẹ mình.
Tình yêu luôn cần sự bao dung và cảm thông. Điều đó vẫn luôn đúng dù ở bất cứ thời đại nào. Nhưng đừng quên rằng cảm thông không đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh tự do, hoặc hạnh phúc của cá nhân mình.
Theo Trí Thức Trẻ