Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai xác nhận đã điều trị cho một cháu bé bị rắn tấn công khi đang chơi đùa tại khu vực công viên Linh Đàm. Việc xuất hiện rắn độc tại một khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội đang gây hoang mang rất lớn cho cư dân, nhất là khi đây không phải lần đầu tiên có tình trạng này...
Theo kết quả khám chuyên khoa chống độc, khi nhập viện trên cẳng chân cháu bé có nhiều vết răng do rắn cắn. Tuy nhiên do đưa vào cấp cứu sớm nên cháu bé vấn tỉnh táo, chưa có biểu hiện khó thở hay nhiễm độc. Các bác sỹ đã sơ cứu vào chỉ định theo dõi trong vòng 24h.
Chị Hương, mẹ bệnh nhi cho biết, khi đang chơi trong công viên, con trai chị bất ngờ bị một con rắn màu vàng lao tới cắn vào cẳng chân phải. Bị cắn đau bất ngờ, cháu bé hét lên, khi bà quay lại thì con rắn đã lủi vào bụi cỏ.
Qua câu chuyện của con trai, chị Hương mong muốn các bậc phụ huynh cùng cảnh giác và đề nghị ban quản lý, tổ dân phố phối hợp cư dân làm rõ việc có hay không người dân tàng trữ, nuôi thả rắn trong nhà tại khu vực chung cư HH.
Theo chị Hương, chỉ trong vòng vài tháng qua đã 3 lần rắn rơi từ chung cư rơi xuống đất và đều là rắn to.
Chị Lê Sang - cư dân tòa CT4A cho hay: “Tôi sống ở đây đã lâu, nhưng chưa bao giờ thấy có hiện tượng rắn xuất hiện tại khu đô thị nhiều như năm nay.
Cũng theo chị Sang cách đây khoảng 4 tháng (ngày 18/4), cư dân của tòa HH2B đã hoảng hồn khi bất ngờ có một con rắn từ trên cây lao thẳng xuống mái hiên tòa nhà. Ngay sau đó một số cư dân bạo gan đã bảo nhau vây bắt con vật này và đo được nó dài hơn 1m.
Rất may con rắn không rơi vào người nào phía dưới và cũng chưa kịp tấn công một ai. Tuy nhiên dù sau đó đã có nhiều phỏng đoán, nhưng ngay cả Ban quản lý chung cư HH2B cũng không xác định được nguồn gốc con rắn ở đâu.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu động vật bò sát, nhất là rắn) cho biết, rắn phân bố rất rộng, không chỉ rừng mà các khu đô thị, khu công nghiệp, vườn nhà... đều có thể có rắn.
Đặc biệt, ở các khu vực ẩm ướt, xung quanh ao hồ rộng, lùm cây um tùm... đều có thể có rắn sinh sống.
Với khu vực xung quanh Linh Đàm, GS Huỳnh nhận định là nơi có ao hồ rộng, ẩm ướt, cây cối um tùm... nên rất thích hợp cho việc trú ẩn, sinh sống của một số loài rắn như rắn nước, thậm chí các loài rắn độc như rắn lục, hổ mang...
Để hạn chế việc bị rắn tấn công, GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần dọn dẹp môi trường, phát quang các bụi rậm trong khu vực công viên, đặc biệt ở khu vực Linh Đàm với hệ thống hồ, cây cối um tùm, tránh rắn xuất hiện, cư trú.
Khi cho các cháu nhỏ vào công viên chơi, nhất là buổi tối cần tránh các khu vực bụi rậm, ẩm ướt, các khu vực không có đèn chiếu sáng. Đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
Khi bị rắn tấn công, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa nạn nhân vào các bệnh viện, trung tâm chống độc để xử lý kịp thời.
Vân Anh (TH)