Các tiểu thương tại chợ Giống, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có phản ánh đến PhapluatNet về việc chính quyền xã làm sai quy định trong hợp đồng thuê ki ốt bán hàng tại chợ: “Hợp đồng thuê chợ cũ đến hết ngày 31/12/2020 mới hết hạn, nhưng mới đây lại bắt các tiểu thương di chuyển sang chợ mới để thuê ki-ốt".
Không đồng tình với cách làm của chính quyền, các tiểu thương tại chợ Giống đã gửi đơn lên chính quyền xã, huyện nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Bức xúc với cách làm việc này, các tiểu thương đã họp bàn và kéo nhau lên cổng UBND tỉnh Hải Dương để đòi lại công bằng.
Chưa hết thời hạn thuê nhưng các tiểu thương buộc phải di dời?
Trao đổi với PV Phapluatnet, bà N.T.O cho biết: “Sau khi chúng tôi kéo nhau lên UBND tỉnh nhờ đòi lại công bằng, khi về nhà nhiều người đã nhận được tin nhắn đe dọa, nhiều gia đình trong đêm bị hắt phân lên nhà, điều này khiến chúng tôi rất hoang mang lo sợ”.
“Gia đình tôi buôn bán tại chợ này cũng được hơn chục năm rồi, hiện nay việc kinh doanh buôn bán rất thuận lợi, sau khi thuê mặt bằng gia đình tôi cũng đã phải đầu tư kinh phí để sửa sang lại ki-ốt. Khi thuê ki-ốt cũng có làm hợp đồng với Ban quản lý chợ đến ngày 31/12/2020 mới hết hạn, giờ bắt di chuyển nhà tôi làm gì có tiền thuê ki-ốt ở chợ mới”, bà O nói.
Cùng chung sự bức xúc, chị N.T.Y chia sẻ: "Chúng tôi đang kinh doanh ổn định tại chợ cũ với mức phí từ 2 - 4 triệu đồng/năm. Nếu chuyển sang chợ mới, chưa biết hiệu quả kinh doanh thế nào chỉ thấy phí tăng lên khoảng 5 triệu đồng/năm. Mức phí này quá cao đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi".
“Hiện tại, đây là chợ Giống ‘Dân sinh’ chúng tôi chỉ buôn bán kinh doanh nhỏ, giờ bắt chúng tôi sang khu chợ mới kiểu ‘Trung tâm thương mại’ thì chúng tôi làm sao kinh doanh có lãi để chi trả cho nhà đầu tư”, chị Y lo lắng nói.
Đại diện các tiểu thương chợ làng Giống trình bày bức xúc của họ
Nhiều tiểu thương còn phản ánh việc triển khai xây dựng chợ mới người dân không được trực tiếp bàn bạc, tham gia ý kiến. Diện tích ki-ốt tại chợ mới nhỏ, không phù hợp cho nhu cầu kinh doanh buôn bán. Một số người đã mua ki-ốt trong khu chợ mới thì chỉ được ký kết bằng tay vào bản hợp đồng, không có con dấu của chủ đầu tư hoặc chính quyền đứng ra làm chứng. Nhưng khi tiểu thương đến nhà đầu tư trả lại ki-ốt thì nhà đầu tư lại đòi hỏi giấy tời phải có xác nhận của chính quyền xã?
Dân nói không, Chủ tịch xã bảo có?
Liên quan đến việc phản ánh của các tiểu thương, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Danh Mậu – Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng và được ông Mậu xác nhận có sự việc các tiểu thương đang không đồng thuận với việc di dời sang chợ mới.
Ông Mậu cho biết: “Chợ Giống cũ này được xây dựng từ 2005, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, chật chội, không có bãi để xe, điện nước vệ sinh không đảm bảo. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị địa phương bố trí xây dựng chợ mới để đảm bảo diện tích, đảm bảo công trình phòng cháy chữa cháy, đảm bảo giao thông đi lại”.
“Việc xây dựng chợ mới cũng đã tổ chức họp để xin ý kiến các Đảng viên trong các chi bộ, sau khi các Đảng viên nhất trí rồi mới xin ý kiến của các cư dân. Các cư dân trong xã cũng đồng thuận với việc xây dựng chợ mới, sau đó xã đã kêu gọi nhà đầu tư tiến hành xây dựng chợ Giống mới. Dự kiến hoàn thành chợ vào ngày 1/4/2018 nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thiện”, ông Mậu nói.
“Chúng tôi đã cho họp tại thôn để lấy ý kiến của người dân và nhận được sự đồng thuận mới tiến hành cho làm. Còn vấn đề xã móc nối với chủ đầu tư thì không hề có, vì nhà đầu tư là người của xã”, ông Mậu thông tin thêm.
Nhưng khi PV PhapluatNet làm việc với các tiểu thương thì được biết: “Việc xây dựng chợ mới chúng tôi không hề được họp bàn hay nhận được thông báo gì của chính quyền xã hay nhà đầu tư. Đến khi chuẩn bị xây xong thì chúng tôi mới được thông báo là phải di dời sang khu chợ mới. Việc mà ông Mậu, Chủ tịch xã nói là đã họp bàn với các tiểu thương trước khi xây dựng chợ mới là hoàn toàn không đúng”, một tiểu thương chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, PV đã đề nghị vị chủ tịch xã Cổ Dũng cung cấp giấy tờ như: Chủ trương phê duyệt xây chợ của huyện Kim Thành, biên bản họp dân lấy ý kiến đồng thuận cùng các giấy tờ liên quan khác... nhưng ông Chủ tịch xã cho hay: "Các giấy tờ do phòng ban chuyên môn đang giữ, hiện tại các đồng chí ấy đi làm không có ai ở nhà". PV có hẹn lại với ông Mậu là sáng hôm sau sẽ quay lại để xin nhưng khi PV đến UBND xã Cổ Dũng và gọi điện thoại cho ông Mậu thì nhận được câu trả lời từ ông Mậu: “Tôi đang đi họp trên huyện, các đồng chí chuyên môn cũng đi vắng và không có nhà”.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Huy Tưởng