Đường mới phá vỡ mọi kỷ lục "đắt nhất hành tinh" trước đó
Chiều 9/1, tại buổi họp giao ban Thành ủy Hà Nội, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp đã công bố thông tin về dự án đầu tư tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274 m tại khu vực trung tâm TP với tổng mức đầu tư 7.779 tỷ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư mỗi mét chiều dài tuyến đường Hoàng Cầu – Voi Phục lên đến hơn 3,4 tỷ đồng.
Như vậy, tuyến đường Hoàng Cầu – Voi Phục đã lập kỷ lục mới về chi phí đắt đỏ để làm đường và được mệnh danh con đường đắt nhất hành tinh. Trước đó, kỷ lục này thuộc về tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 550 m hoàn thành năm 2010 có chi phí lên tới 642 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy là đường trục chính đô thị thuộc khu trung tâm thành phố với định hướng cải tạo, mở rộng, kết hợp với xây dựng mới các trục chính đô thị.
Toàn bộ tuyến đường có chiều dài trên 2.270m, mặt cắt ngang 50m, diện tích khoảng 153.341m2. Phạm vi lấn chiếm dự án khoảng 159.424m2, trong đó phần đường, hè khoảng 153.341m2, phần mở rộng về phía Bắc dự án là 6.083m2.
Dự án cũng đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành tại phần dải đất giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083 m2. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2020.
Việc đầu tư xây dựng tiếp đoạn đường vành đai 1 từ Hoàng Cầu – Voi Phục là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ùn tắc giao thông của khu trung tâm TP.
139 hộ dân đang không đồng thuận
Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo cho biết: Cuối năm 2017 Thủ tướng mới cho chủ trương làm dự án, mà để thi công phải có dự án được duyệt, sau đó mới thiết kế, mới thực hiện các bước giải phóng mặt bằng (GPMB).
Về vấn đề tái định cư, ông Bảo cho biết về nguyên tắc có nhà tái định cư mới xem xét phê duyệt công bố nhưng trên thực tế nhà tái định cư sẽ hoàn chỉnh dần trong quá trình thực hiện. Có thực tế không dưới 50% người dân không về chỗ tái định cư nên sẽ ưu tiên cho người dân nhận tiền thay nhà; người dân muốn nhận nhà tái định cư nhưng chậm thì TP sẽ bố trí nhà tạm cư.
Hiện có 139 hộ dân đang không đồng thuận, nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới cùng với Sở Kiến trúc, Sở Xây dựng là làm từng bước với quận Đống Đa, Ba Đình, đối thoại với người dân để tạo sự đồng thuận”- ông Bảo khẳng định.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.779,3 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó hơn 80% tổng số vốn đầu tư này là kinh phí để giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân. Dự án dự kiến sẽ chiếm gần 160.000 m² đất.
Tú An (Tổng hợp)