Mới đây vụ 8 học sinh Hòa Bình đuối nước thương tâm trên Sông Đà tại bến sông thuộc phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến cả nước bàng hoàng, đau xót.
Như vậy, chưa đầy 3 tháng đầu năm, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ nhỏ đuối nước tập thể khiến dư luận không khỏi xót xa, lo lắng.
Những vụ tai nạn đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào khi chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về bơi lội và xử lý tình huống dưới nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị đuối nước là do không có người lớn giám sát. Trong khi, những đứa trẻ này lại không có kỹ năng và không hề lường trước được sự nguy hiểm khi đến gần sông, hồ… Chẳng may, một người trong nhóm đang bơi bị chuột rút, tất sẽ cả lao vào cùng cứu, níu kéo nhau dẫn đến cùng chết đuối.
Từng là người có nhiều năm làm Giám đốc Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, theo ông An cần phải thực hiện tốt một số biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản. Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt dưới 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không đi theo các bạn xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.
Tiếp đến là nhà trường và gia đình phải luôn có sự phối hợp để theo dõi, quản lý các em, đặc biệt vào những tháng cuối học kỳ II, thời điểm đầu mùa nắng nóng. Ngoài ra, cần luyện tập cho trẻ kỹ năng sơ cấp cứu, bơi tự cứu, bơi cứu đuối và không phải học bơi để lấy thành tích.
“Khi có bạn ngã xuống nước phải hô hoán kêu gọi mọi người quăng dây, quăng phao, cành cây, khúc gỗ… để cứu chứ không được ào ào nhảy xuống. Những chỗ sâu, trơn trượt, nước chảy phải có biển báo, rào chắn, người cảnh giới…”, ông An chia sẻ.
H.A (TH)