Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Lắp camera giám sát kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tránh được tiêu cực?

Lắp camera giám sát kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tránh được tiêu cực?
Sau khi hàng loạt tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua khiến dư luận lo lắng, mới đây bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra những nội dung cơ bản của phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

 Theo đó, một điểm đáng chú ý là sẽ lắp camera giám sát tại các điểm thi và hội đồng thi để không gặp lại tình trạng gian lận.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí cho việc này, cũng như sự thành công trong thực tế.

Không thể chặn đứng hành vi vi phạm

Theo phương án thi THPT Quốc gia 2019, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Quá trình xây dựng đề thi sẽ tăng cường công tác thử nghiệm để từng bước chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi; huy động câu hỏi thi đề xuất từ nhiều nguồn, nhất là chú trọng câu hỏi thi từ nguồn đề xuất của các giáo viên, giảng viên, chuyên gia. Đáng chú ý, quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ chú trọng cải tiến khâu phản biện và thẩm định để bảo đảm đề thi phù hợp với yêu cầu kỳ thi THPT Quốc gia cả về độ khó và độ cân bằng giữa các mã đề.

Đối với công tác coi thi, mỗi tỉnh tiếp tục tổ chức một Hội đồng thi do sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) chủ trì; điều động cán bộ giảng viên trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó. Quá trình tổ chức thi, để tăng cường bảo mật, phó trưởng điểm thi là cán bộ trường ĐH, thư ký và cán bộ PA03 có trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi và chuyển giao về hội đồng thi; túi đựng bài thi được niêm phong bằng giấy mỏng chuyên dụng, dùng một lần. Đáng chú ý, tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ.

Một trong những thay đổi được chú trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 so với năm 2018 là công tác chấm thi, trong đó công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ do bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ; cán bộ giám sát chấm trắc nghiệm phải am hiểu về công nghệ thông tin... Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp; cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm); người được cấp quyền truy cập có thể mở được nhưng không sửa được thông tin.

Đánh giá về những cải tiến trong quy trình thi này, ông Vũ Văn Lương, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng đây là việc thể hiện quyết tâm chống gian lận thi cử của bộ GD&ĐT: “Việc đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm chắc chắn sẽ thành công.  Khi đó, cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm. Rõ ràng trước sự cố lớn ở kỳ thi vừa qua thì bộ GD&ĐT đang thể hiện quyết tâm để làm trong sạch kỳ thi này”.

Lắp camera giám sát kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tránh được tiêu cực?
Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương.

“Điều quan trọng là toàn bộ bài thi của thí sinh sau khi kết thúc thời gian làm bài đến khi được quét, mã hóa thông tin cá nhân phải có sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ , cán bộ các trường ĐH được cử tham gia phối hợp tổ chức thi ở địa phương”, vị Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương nói.

Tuy vậy, ông Lương cũng băn khoăn về nguồn kinh phí để lắp camera tại các điểm thi và hội đồng thi cũng như hiệu quả của việc này. Bởi lẽ, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc sử dụng camera giám sát sẽ ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ này phần nào hỗ trợ cho việc quản lý công việc, quản lý con người, đảm bảo khách quan, công bằng. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có tính chất hỗ trợ chứ không quyết định được tới việc chặn đứng hành vi vi phạm.

“Như ở kỳ thi vừa qua, sai phạm nằm ở khâu không ai ngờ tới, được đánh giá là vô cùng tinh vi. Quy trình chặt chẽ rồi nhưng quan trọng hơn là phải kiểm tra, rà soát, chọn lọc những cán bộ đủ phẩm chất, có đạo đức tốt để tham gia chấm bài, lên điểm, giám sát, quản lý kỳ thi thì mới hy vọng có một kết quả công bằng. Còn việc gắn camera rất tốn kém, lãng phí mà không phải là giải pháp hữu hiệu khi mà đạo đức cán bộ chưa được cải thiện, còn tiêu cực”, ông Lương nói.

Ông Lương cũng cho rằng nhiều địa phương vùng núi, điều kiện học tập, trường lớp còn nhiều khó khăn... tiền chi phí gắn camera nên để xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị. Giải pháp hữu hiệu nhất là xem xét lại công tác cán bộ, bồi dưỡng đạo đức cán bộ, kịp thời loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất thì mới là cái gốc của vấn đề.

Chỉ là công cụ hỗ trợ một kỳ thi

Bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước hết, camera giám sát ở khu vực để bài thi và nơi chấm thi là biện pháp sử dụng kỹ thuật để tăng tính nghiêm minh, khách quan trong việc thực hiện các quy định. Còn trước đây không có camera giám sát thì các quy định cũng đã rất nghiêm ngặt.

Ông Cường lấy ví dụ: “Ở khu vực để bài thi phải niêm phong. Vậy, nếu như không đặt camera hay đặt camera thì quy trình này vẫn diễn ra. Hay, khu vực chấm bài thi cũng có quy định không được phép mang bất cứ vật dụng gì vào... Như vậy, nếu người thừa hành thực hiện nghiêm túc, ai cũng tôn trọng luật pháp thì không bao giờ có chuyện gian lận”.

Lắp camera giám sát kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tránh được tiêu cực?
ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017-2018 dù quy định rất chặt chẽ như vậy nhưng vẫn có vi phạm. Nhìn lại câu chuyện này, ông Cường cho rằng camera sẽ hỗ trợ cho kỳ thi này trở nên tốt hơn: “Bây giờ phải sử dụng một biện pháp kỹ thuật, sử dụng giám sát bằng camera để anh muốn cố tình vi phạm cũng không thể qua được mắt phương tiện kỹ thuật. Đây là một công cụ kỹ thuật hỗ trợ cho việc thực hiện các quy định cũ, chứ không phải là quy định mới. Việc này ngăn chặn những ai có ý định gian dối, có ý đồ bất chấp luật pháp, bất chấp quy định để gian dối. Giả sử có gian dối thì có cơ sở để truy trách nhiệm”.

“Tôi nghĩ rằng đây là một biện pháp tốt, đương nhiên việc thực hiện biện pháp này sẽ phải bỏ ra một chi phí đầu tư. Đây là việc tốn tiền, nhưng tốn tiền cho một việc cần thiết. Tạo ra sự công minh, công bằng và tạo niềm tin cho thì không nên tiếc đồng tiền đó.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, còn vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là con người. Thậm chí, kể cả có hệ thống máy giám sát như thế nhưng có đảm bảo rằng 100% tin tưởng vào cái máy đó được hay không? Có rất nhiều lý do dẫn đến chuyện một giây phút nào đó camera không hoạt động được. Nên, đây chỉ là những biện pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện quy định đó nghiêm túc hơn, chứ không thể nói dùng máy móc để thay thế con người”, vị Phó Hiệu trưởng nhận định.

Cuối cùng, ông Cường mong rằng: “Khi sử dụng công cụ hiện đại hơn để hỗ trợ thì tôi nghĩ việc thực hiện quy định đấy sẽ minh bạch hơn, chất lượng sẽ tốt hơn. Những điều đáng tiếc, gây buồn cho xã hội trong kỳ thi năm 2017-2018 hy vọng sẽ không còn”.

C.L - N.H - H.B

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.54050 sec| 658.414 kb