Khủng hoảng bikini trên chuyến đón đoàn U23 Việt Nam
Theo đó, Vietjet Air đã khởi đầu năm 2018 với nhiều ồn ào, cụ thể vào ngày 28/1, để đón tiếp các cầu thủ U23 Việt Nam trở về nước hãng hàng không đã đưa hình ảnh mẫu ăn mặc thiếu vải trên chuyến bay khiến nhiều cầu thủ trẻ ngại ngùng, quay đầu, nhắm mắt... thông tin nhanh tróng được lan truyền trên mạng xã hội, xuất hiện khắp các mặt báo, cả trong nước và quốc tế, cùng với tên gọi "hàng không bikini".
Thay vì thẳng thắn thừa nhận, Vietjet lại công khai đăng lời xin lỗi đã qua hai lần chỉnh sửa nhưng hướng trách nhiệm về phía nhóm người mẫu và 'đơn vị hậu cần', khi cho rằng chính Vietjet cũng bị bất ngờ. Đây là lời giải thích không thể làm hài lòng dư luận, khiến cho sự việc bị đẩy cao thêm.
Ngày 30/1, Cục Hàng không đã thông báo xử phạt Vietjet Air 40 triệu đồng và khuyến cáo bằng văn bản với hãng cũng như giám đốc điều hành về sự cố để người mẫu mặc phản cảm trên chuyến bay chở các cầu thủ U23 Việt Nam.
Sự cố "báo động giả"
Suốt năm 2018, Vietjet Air liên tiếp gặp các lỗi liên quan tới báo động giả. Đáng kể có những chuyến bay như chuyến số hiệu VJ982 từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp vào rạng sáng 30/10 (giờ Hà Nội) ở sân bay quốc tế Hong Kong sau khi phi hành đoàn phát hiện vấn đề liên quan tới phi cơ.
Chuyến bay của Vietjet dự định hạ cánh xuống sân bay quốc tế Gimhae ở Busan, Hàn Quốc nhưng phải hạ cạnh khẩn cấp xuống Hong Kong sau khoảng 1h10 từ Hà Nội. Phi hành đoàn thông báo với cảng hàng không quốc tế Gimahe rằng chuyến bay gặp phải vấn đề kỹ thuật.
Sự cố khiến khách hàng hết sức hoang mang, cảm thấy lo lắng khi không được thông báo cụ thể về lý do hạ cánh khẩn cấp. Lỗi này ngay sau đó được Vietjet Air thông tin tới báo chí là báo động giả và máy bay đã có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau sự cố.
Bay 6 vòng khi vừa cất cánh
Cụ thể, chuyến bay VJ198 khởi hành từ TPHCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối 19/11 đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất vì gặp sự cố.
Theo miêu tả của hành khách trên máy bay và một vài đoạn video ghi lại cabin máy bay khi sự việc xảy ra, phi hành đoàn của chuyến bay đã thông báo về sự cố khẩn cấp và máy bay phải bay vòng tròn 30 phút trên không để xả nhiên liệu. Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cũng như liên tục hô "brace".
Dữ liệu từ Flightradar24 cũng trùng khớp với miêu tả trên. Theo ghi nhận của đơn vị này, máy bay của Vietjet Air đã đạt tới độ cao 11.000 feet trước khi phát hiện sự cố và phải hạ độ cao về khoảng 5.000 feet để thực hiện bay khoảng 5 vòng lớn trên trời trong khoảng 30 phút.
Sự cố khiến hàng trăm hành khách hoảng sợ, thậm chí có người chắp tay cầu nguyện, trong đó có người chia sẻ bị "sốc tâm lý".
Văng bánh khi hạ cánh
Đây là vụ sự cố được đánh giá là rất nghiêm trọng của VietJet Air khi chiếc máy bay Airbus VJ356 từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) của Hãng hàng không Vietjet Air chở theo 207 hành khách đã hạ cánh trong tình trạng mất cân bằng do có vấn đề ở phần bánh vào đêm 29/11. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.
Sáu cầu phao thoát hiểm bung ra cùng lúc. Hành khách chen nhau thoát khỏi máy bay.
Được biết, bánh trước của máy bay văng ra cách đường băng 100 m. Máy bay di chuyển thêm 60-70 m trong tình trạng càng trước cày xuống đường băng. Sân bay Buôn Ma Thuột phải tạm ngưng hoạt động khoảng 8 tiếng để xử lý sự cố của chuyến bay VJ356.
Kết luận cuối cùng về sự cố này vẫn chưa được công bố. Tổ lái chuyến bay đã bị tạm đình chỉ hoạt động. Đã có 6 hành khách bị chấn thương phải nhập viện, nhiều hành khách hoảng loạn, lo lắng 'thót tim' an toàn tính mạng bởi sự cố để lại.
Hạ cánh xuống sân bay của Đài Loan vì lý do kỹ thuật
Đêm 24 rạng sáng ngày 25/12, nhiều hành khách trên chuyến bay VJ861 hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) về TP Hồ Chí Minh đã lo sợ khi máy bay của VietJet Air gặp sự cố buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) để kiểm tra kỹ thuật.
Sau khi dỡ hành lý, kiểm tra và xác định không có cháy và cảnh báo của truyền cảm báo khói là báo giả, tình trạng máy bay bình thường, tổ bay đã tiếp tục thực hiện hành trình và về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5h20 ngày 25/12.
Lỗi kỹ thuật, máy bay hạ cánh… nhầm đường băng
Khi sự cố hạ cánh khẩn cấp ở sân bay của Đài Loan (Trung Quốc) chưa kịp lắng xuống thì trưa 25/12, thêm một chuyến bay VietJet Air mang số hiệu VJ689 đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng lại đáp nhầm đường băng. Chuyến bay này dự kiến từ Cam Ranh đi TP.HCM lúc 11h14 ngày 25/12.
Tuy nhiên, sau khi máy bay cất cánh ít phút, tổ bay phát hiện có cảnh báo kỹ thuật. Tổ lái đã quyết định cho tàu bay quay lại, hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Cam Ranh. Trong quá trình tiếp cận, tổ bay hạ cánh nhầm xuống đường băng đã thi công xong nhưng chưa đưa vào khai thác.
Ngay trong chiều 25/12, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định đình chỉ tổ bay VJ689 nhằm phục vụ công tác điều tra; đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của VietJet liên quan đến việc khai thác.
Đang chạy đà để cất cánh buộc phải dừng lại vì cảnh báo
Sự lo lắng của khách hàng về sự an toàn của Hãng hàng không VietJet càng tăng khi sáng nay, 26/12, thêm một máy bay của VietJet gặp trục trặc trong lúc đang tăng tốc chạy đà trên đường bay ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) buộc phải quay lại để kiểm tra kỹ thuật.
Thông tin ban đầu cho thấy, chiếc máy bay VJ 513 dự kiến khởi hành tại sân bay Nội Bài lúc 6h20 và đến Đà Nẵng lúc 7h35’. Tuy nhiên, khi hành khách đã lên hết máy bay thì đến 6h15 phút máy bay bắt đầu di chuyển ra đường băng để cất cánh.
Tuy nhiên, sau khi máy bay tăng tốc và chuẩn bị rời khỏi mặt đất thì đột ngột giảm tốc độ và hạ đầu máy bay. Cơ trưởng sau đó đã giảm tốc và đưa máy bay vào bãi đỗ, đồng thời, thông báo với hành khách không có vấn đề gì xảy ra.
Nhưng sau đó, tiếp viên của hãng thông báo máy bay gặp sự cố kỹ thuật, cần xử lý gấp và chưa thể bay tiếp. Từ 6h20p đến 9h30 phút ngày 26/12, chuyến bay VJ513 vẫn đang nằm chờ tại bãi đỗ để đội ngũ kỹ thuật xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo sân bay Nội Bài xác nhận, trường hợp máy bay VJ 513 có trục trặc kỹ thuật nên để đảm bảo an toàn cho hành khách, doanh nghiệp này đã phải kiểm tra lại. Đây là sự việc bình thường và hãng phải chịu trách nhiệm, nhiệm vụ vận tải của mình.
“Trong trường hợp, nếu sự cố kéo dài, hãng phải có trách nhiệm đền bù và chuyển hành khách sang chuyến bay khác”, lãnh đạo này cho biết.
Vấn đề 'an toàn bay' là một trong những vấn đề quan trọng được khách hàng đặt lên hàng đầu, khi nó quyết định trực tiếp đến tính mạng con người. Trước bối cảnh hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ ngày càng phát triển, mở rộng tiếp cận khách hàng thì năm qua hãng hàng không Vietjet lại để lại những sự cố 'thót tim' khiến khách hàng hoảng sợ thậm chí 'sốc tâm lý', câu hỏi ngay lập tức được dư luận đặt ra là liệu, hãng hàng không Vietjet có thực sự quan tâm tới an toàn tính mạng khách hàng, hay làm ngơ trách nhiệm, khách hàng có nên tin tưởng, giao tính mạng nữa hay không?
H.A (TH)