Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỷ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT.
Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT.
Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động. Trước đó năm 2018, ngành cần 320.000 nhân sự tuy nhiên còn thiếu tới 75.000 người.
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực lớn như vậy nhưng theo đại diện Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh – HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain…; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ; Các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; Kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên.
Trong một phát biểu về nâng cao nguồn lực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo công nghệ thông tin phải trở thành nhu cầu tự thân, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phát phát triển đất nước, nhất là trong bối cách cuộc cách mạng 4.0. Khi nền kinh tế chuyển sang số hóa, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen.