Như đã thông tin, thời gian gần đây, vùng đất thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội lại có dịp nóng lên khi số đông đại gia về đây thu gom đất, xây dựng khu nghỉ dưỡng...
Theo tìm hiểu, thôn Phú Yên, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) có núi non hùng vĩ, có hồ Đồng Mô bao bọc, nước trong xanh, không khí mát lành, cây cối tốt tươi với những đồi chè, gần khu du lịch Làng văn hóa các dân tộc...
Nơi đây, cũng là sự lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng lý tưởng vào dịp cuối tuần của các "đại gia" từ Thủ đô chật chội, ngột ngạt về đây nghỉ ngơi, thư giãn.
Nhất là thích hợp với những "đại gia" muốn trở lại với thiên nhiên để thành lão nông với các thú vui tao nhã.
Lộ diện chủ nhân của khu đất khủng đang xây dựng trên đất nông trường
Điều đáng nói, số đông đại gia này theo “tiếng gần tiếng xa” của người dân địa phương thì họ đều là những nhân vật lớn, không chỉ là các giám đốc công ty mà còn có cả quan chức cấp cao, đứng đầu trong cấp Bộ (?)
Trong vai người mua đất, đi dọc đường vào khu vực đội 5 (thôn Phú Yên, xã Yên Bài) PV không khỏi choáng ngợp bởi những bãi đất vị trí phong cảnh vô cùng đẹ. Nơi đây có đồi chè, hồ Đồng Mô, các dãy núi nhấp nhô,... không khí vô cùng mát mẻ, trong lành khiến người ta có cảm giác khoan khoái, dễ chịu đến không ngờ.
Để khảo sát số đại gia nào đang nắm giữ diện tích và vị trí đẹp tại đây thì không phải điều gì khó khăn lắm. Chỉ cần hỏi người dân gặp dọc đường, người ta có thể đọc vanh vách vài ba nhân vật lớn. Trong số đó, PV ấn tượng với cái tên T.Q.K...
Cụ thể, bà Th. (người dân tại đây) cho biết: “Chị cứ đi dọc đây chỗ nào cũng có đất để bán. Ở đây toàn các đại gia lắm tiền về mua thôi, có ông giám đốc công ty chè và ông K.- làm lớn ở Bộ ...) đấy”.
Bất ngờ với thông tin trên, vì được biết khu vực này thuộc đất của nông trường Việt Mông quản lý, giao cho người dân để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi mà không được phép mua bán, xây dựng. Vậy, không có lý do gì một nhân vật cấp cao lại “có mặt” sở hữu nó.
Để có thêm nhiều thông tin, PV tiếp tục hỏi thăm số người dân khác. Điều lạ là chỉ cần hỏi khu đất nhà ông K. thì dân ở Đội 5 ai cũng biết và chỉ cho PV.
Một người dân còn cho biết: “Ông K. ông ấy mua lại đất của nhà Ch.- H. từ mấy năm nay rồi, chỗ khu vực đảo Ngắn trước mặt hồ Đồng Mô ấy”.
Theo chỉ dẫn của người dân cùng sự hỗ trợ của "cò đất" tên Th., PV đã được đưa đến “dinh biệt thự” theo phong cách nông thôn được cho là của gia đình ông T.Q.K.
Trước mắt PV là một khu đất vô cùng rộng lớn gồm có núi non, hồ bao quanh, vườn tược đếm không xuể số cây ăn quả và cây cảnh cùng căn nhà thiết kế kiểu lạ được xây dựng thiết kế lạ mắt.
Đây thực sự là khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho những chủ nhân thích vui thú cảnh điền viên ngày cuối tuần. Theo đánh giá của số người dân ở đây thì phải những nhân vật có tầm cỡ mới có thể thâu tóm được số diện tích lớn, vị trí đắc địa như thế này.
Chị N.T.L (người sống cạnh đây) cho biết: "Số đất này ông K. mua lại của anh trai tôi, tên là Ch., mua từ năm 2014 . Sau đó vừa rồi ông K. lại tiếp tục mua thêm 10.000m2 đất nữa của các hộ lân cận, 10.000m2 đất này cũng là của các chủ là người Hà Nội đã mua của dân từ trước, giờ bán lại cho ông K.”.
Khi hỏi lại rằng ông K.này làm nghề gì, chị L không ngần ngại chia sẻ rằng làng này ai mà không biết đến khu đất nhà ông T. Q. K. này.
“Cứ cuối tuần vợ chồng ông K. lại về, cả vườn giăng đến 25 cái camera và nhà ông K. thuê mấy người trong vùng đến trông coi, dọn dẹp...”. Chị L thông tin thêm.
Một người dân khác cho biết: "Bình thường những ngày không phải cuối tuần, chỉ có người làng được vợ chồng ông K. thuê ở đó, ban ngày cổng thường chỉ khép, không khóa, chúng tôi có thể sang chơi được nhưng không hiểu vì sao ít hôm nay cửa luôn khóa chặt, chó thả ra người lạ cắn inh ỏi...”.
Tiếp tục xác minh thông tin, theo chỉ dẫn của người dân cách đó chừng 2km PV đã tìm đến được nhà ông Ch.- chủ lô "đất vàng" mà ông K.đã mua lại.
Theo đó, ông Ch. xác nhận việc mình có lô đất rộng 8000 m2 đất tại khu vực đảo Ngắn, đội 5 thôn Phú Yên. Số đất này được nông trường giao khoán để trồng trọt chăn nuôi từ trước đó nhiều năm.
Ông cho biết, đã bán cho gia đình ông tên T.Q.K (SN 1964, hộ khẩu ở TP Hà Nội) từ năm 2014. Ông Ch. kể lại quá trình mua bán như sau: “Hôm đó tôi đang ngủ thì ông K. vào nhà gọi dậy, gạ bán mãi khu đất này. Sau đó, tôi có bàn bạc với vợ, lăn tăn mãi tôi mới quyết định bán”.
“Khu đất này thì đẹp mê li rồi, ngay cạnh hồ Đồng Mô, làng này chẳng ai có chỗ đẹp như chỗ đó, đợt này bán còn được giá chứ ngày ấy bán có được bao đâu, có 200 nghìn/m2 và hộ tôi nhận được có gần 1 tỷ 7. Sau mua sang bên này là cũng hết tiền.
Đất này không có sổ đỏ đâu, hai bên viết tay xong ra xã xin cái giấy xác nhận là xong. Việc mua bán này đã được xác nhận của Chủ tịch UBND xã Yên Bài ông Nguyễn Văn Mể”.
Khi được hỏi về việc ở đây được phép mua bán công khai như vậy, ông Ch. thông tin rằng: “Ở đây mua bán dễ dàng mà, đâu ai cấm!”
Chính quyền nói không nắm được!?
Để phản ánh về tình trang mua bán đất công khai, xây dựng khu nghỉ dưỡng trái phép trên đất nông trường Việt – Mông cùng việc chính quyền nắm thông tin sự việc nhà ông T.Q.K theo phản ánh của người dân như trên ra sao, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND xã Yên Bài.
Khi nhắc đến khu đất và căn nhà của ông T.Q.K, ban đầu ông Huy cho biết không nắm rõ vì mới về nhận chức, nhưng sau đó ông lại nói rằng: “Chỗ đất nhà ông K. thì ông ấy bán cho người tên H. rồi”.
Tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ba Vì, ông Trường cho biết: “Tôi khẳng định việc xây dựng trang trại, khu nghỉ dưỡng trên đất của nông trường như vậy là sai, không đúng với mục đích sử dụng đất. Đất của nông trường thỉ chỉ được phép phát triển kinh tế, trồng trọt”.
Hỏi về công trình của ông T.Q.K, ông Trường cũng trả lời rằng: “Khu đất nhà ông K. tôi không nắm được..” (?!).
Trước đó, trao đổi với PV, ông Trương Hồng Ngọc - Tổng giám đốc Công ty CP Việt - Mông (tiền thân là Nông trường Việt - Mông - PV) khẳng định rằng: “Khu đất này công ty tôi đã giao lại hoàn toàn cho huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây quản lý từ năm 2016 hiện công ty tôi là doanh nghiệp thuần túy, không quản lý khu đất đó nữa”.
Như vậy, câu trả lời không nắm được của chính quyền xã, huyện Ba Vì liệu đã thỏa đáng? Liệu có hay không một quan chức cấp cao biết rõ đất nông trường không được phép mua bán, xây dựng nhưng lại dẫn đầu trong việc mua bán xây dựng để có một dinh cơ riêng, bất chấp sai phạm? Vì sao phía chính quyền lại đều không nắm được, có sự bao che nào ở đây?
Theo Môi trường và Đô thị