Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Lộ mặt thế lực ngầm đòi nợ thuê: Cấm thôi, còn chần chừ gì? 

 Lộ mặt thế lực ngầm đòi nợ thuê: Cấm thôi, còn chần chừ gì? 
Ở thời điểm hiện tại không cho phép kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê là hợp lý, bởi lẽ các điều kiện về hạ tầng xã hội chưa đáp ứng, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về vấn đề này còn chưa tốt.

Thời gian qua, tình trạng giang hồ núp bóng công ty đòi nợ thuê, dịch vụ đòi nợ thuê diễn ra khá phức tạp, nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình hình trật tự ở nhiều địa phương. Việc UBND TP.HCM đề nghị cấm kinh doanh đối với hoạt động này đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Một bên cho rằng, nên tiếp tục cho phép thực hiện hoạt động này tuy nhiên đa số ý kiến lại đồng tình với việc cấm.

 Lộ mặt thế lực ngầm đòi nợ thuê: Cấm thôi, còn chần chừ gì? 
TP.HCM đã có kiến nghị lên cấp trên về việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Nguồn ảnh: Internet.

Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm hiện tại không cho phép kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê là hợp lý, bởi lẽ các điều kiện về hạ tầng chưa đáp ứng, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về vấn đề này còn chưa tốt. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoạt động đòi nợ thuê thực chất là việc yêu cầu công ty làm dịch vụ để thực hiện các biện pháp kinh tế, tài chính và cả hành chính buộc bên vay nợ phải trả nợ theo thỏa thuận.

Đa số các nước thực hiện tốt dịch vụ này là những nước phát triển, có hệ thống pháp luật tiên tiến, đồng bộ, nhất là hầu như các giao dịch đều qua hệ thống ngân hàng. Khi chủ nợ có nhu cầu đòi nợ sẽ liên hệ với các công ty đòi nợ thuê và các công ty này áp dụng biện pháp kinh tế, tài chính, hành chính để thu hồi nợ như xác minh tài khoản ngân hàng, xác minh tài sản... để thu hồi nợ. Trường hợp tài khoản ngân hàng không đủ sẽ tiến hành kê biên, ngăn chặn giao dịch tài sản như bất động sản, tài sản khác như xe cộ, tàu thuyền, trang sức... Khi đó, nếu có tài sản mà không trả thì chủ nợ sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt, làm ăn, thậm chí ảnh hưởng đến cả việc thực hiện quyền nhân thân, xuất cảnh, đi lại... Trong khi đó, hiện tại chúng ta chưa đủ năng lực, hạ tầng chưa đáp ứng để thực hiện những việc này.

Thứ hai, hoạt động vay nợ là các quan hệ dân sự, kinh tế đơn thuần. Do đó, nếu có tranh chấp thì các bên sẽ đi theo con đường của tòa án để giải quyết. Khi có bản án có hiệu lực pháp luật sẽ được bảo đảm thi hành tại cơ quan thi hành án hoặc thừa phát lại. Do đó, không nhất thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê, khi mà ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn khá hạn chế, yếu kém.

Thứ ba, dịch vụ đòi nợ thuê đang bị biến tướng, gây phức tạp cho tình hình an ninh trật xã hội, khi mà ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn rất kém. Các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng chiêu trò, đe dọa kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần con nợ. Thậm chí, một số nơi có dấu hiệu cấu kết thành hệ thống ngầm hoạt động theo băng nhóm rất nguy hiểm. Nếu không quản lý tốt hoạt động này sẽ là cơ sở, mầm mống cho các loại tội phạm khác phát triển theo như đâm thuê, chém mướn, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản…

Vì vậy, trong thời điểm hiện tại không nên tiếp tục cho phép hoạt động đòi nợ thuê. Khi nào có đủ điều kiện cả về cơ sở hạ tầng, quản lý được tài sản của mọi người dân, bắt buộc các giao dịch qua hệ thống ngân hàng thì hãy triển khai. Tuyệt đối không nên cố theo kịp các nước tiên tiến khi điều kiện chưa đáp ứng, chưa chín muồi. Bởi vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”, những tác động tiêu cực đến xã hội nhiều hơn là tích cực.

Vĩnh Linh

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.14833 sec| 636.531 kb