Được biết, dự án Charm Long Hải tọa lạc tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền do công ty TNHH du lịch khách sạn Phúc Đạt làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2020. Dự án có diện tích hơn 4,7ha, quy mô bao gồm các hạng mục: Biệt thự, căn hộ cho thuê, khách sạn lưu trú, các dịch vụ kèm theo… với tổng mức đầu tư lên đến 20 triệu đô la.
Ngày 09/10/2020, phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng chi nhánh văn phòng đăng ký Đất đai huyện, UBND thị trấn Long Hải tiến hành làm việc với công ty TNHH du lịch khách sạn Phúc Đạt và kiểm tra thực tế hiện trạng bờ biển tại khu vực dự án khu du lịch Charm Long Hải Resort & Spa theo các văn bản kiến nghị của UBND thị trấn Long Hải và Công ty.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận khu vực bờ biển không còn hố trũng, có 200 cây dừa vừa được trồng và một số bãi đá ngầm dưới biển. Đoàn kiểm tra đã đề nghị: Chi nhánh văn phòng đăng ký Đất đai huyện tiến hành đo đạc diện tích trồng cây dừa ngoài ranh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công ty cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc sử dụng khu vực ngoài ranh đất trên.
Ngày 14/10/2020, chi nhánh văn phòng đăng ký Đất đai huyện Long Điền có bản vẽ trích đo địa chính xác khu vực trồng cây dừa ngoài ranh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty có diện tích 3.782,2 m2. Trong khi đó, Công ty không cung cấp được các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng khu vực đất ngoài ranh giới giấy chứng nhận.
Từ những nội dung trên, phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị UBND huyện Long Điền giao phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện xử lý hành vi lấn đất ngoài ranh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp của công ty TNHH du lịch khách sạn Phúc Đạt. Buộc Công ty khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn.
Ngoài ra, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng đề nghị Công ty không được phép sử dụng các phương tiện cơ giới, không được san lấp mặt bằng khu vực bờ biển khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền trong thời gian tới. Đối với việc di dời đá ngầm dưới biển tạm thời chưa xem xét, giải quyết vấn đề này do việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đang được Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 17/11, tại khu vực bãi bồi nằm ngoài ranh đất dự án đang có rất nhiều cây dừa cao khoảng 4m đã được trồng xen lẫn với một số kiến trúc trang trí bằng khung gỗ để tạo cảnh quan.
Các cây dừa được trồng tại bãi biển đã ra rễ non bám chặt lấy bãi bồi, một số cây do mới được trồng không chịu được sóng biển khi thủy triều dâng đã bị đổ ngang, đổ bật trơ gốc. Ngoài ra, PV cũng ghi nhận tại khu vực bãi biển, chủ đầu tư đã tiến hành đổ bê tông, làm kè đá cao khoảng 0.5m, chiều dài khoảng hơn 50m để bảo vệ những cây dừa trước tác động của thủy triều, sóng biển…
Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 thì hành lang bảo vệ bờ biển được quy định là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển
Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển:
1. Khai thác khoáng sản, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
2. Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư.
3. Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải.
4. Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển, trừ hoạt động quy định tại Điều 25 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
5. Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển.
6. Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.
Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển:
Khai thác nước dưới đất;
Khai hoang, lấn biển;
Cải tạo công trình đã xây dựng;
Thăm dò khoáng sản, dầu khí;
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc này.